1. Bệnh gout là gì?
Bệnh gout (gút) là bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa các nhân purin khiến hàm lượng axit uric trong máu tăng. Bệnh gout thường ảnh hưởng sớm đến bàn chân, gây ra đau đớn và bất lợi cho sinh hoạt của người bệnh. Dưới đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh gout.
Axit uric là sản phẩm cuối cùng được tạo ra khi cơ thể chuyển hóa thực phẩm có chứa purin. Purin cũng được tạo ra trong quá trình phân hủy tế bào tự nhiên của cơ thể.
Phần lớn axit uric hòa tan trong máu, được đưa đến thận và đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Khi cơ thể xảy ra tình trạng tăng tổng hợp axit uric hoặc giảm thải axit uric ở thận hoặc ruột, axit uric tạo thành tinh thể monosodium urate (còn gọi là muối urate) lắng đọng trong các mô gây ra một dạng viêm khớp gọi là bệnh gout.
Gout là bệnh khớp thường gặp
2. Các triệu chứng của bệnh gout
Tình trạng tăng axit uric máu rất phổ biến, nhưng hầu hết những người tăng axit uric máu không có triệu chứng và chỉ một số ít tiến triển thành bệnh gout. Tăng axit uric máu có thể kéo dài đến 20-30 năm mà không có triệu chứng gì cho đến khi xuất hiện cơn gout cấp tính đầu tiên.
a. Các triệu chứng bệnh gout cấp tính
Bệnh gout thường xảy ra đầu tiên ở ngón chân cái
Đau, đỏ và sưng là những triệu chứng chính của bệnh gout. Cơn gout thường xảy ra vào ban đêm và bắt đầu ở khớp ngón chân cái, sau đó là khớp bàn chân, cổ chân, ít gặp ở khớp chi trên.
Triệu chứng điển hình là ban đầu chỉ cảm thấy đau nhẹ, rồi trở nên đau dữ dội, sưng, nóng, sung huyết tấy đỏ quanh khớp. Nó được mô tả là cảm giác như đang bốc cháy và đau rát kể cả khi chạm nhẹ. Những triệu chứng này thường chỉ xảy ra ở một khớp.
Cơn gout cấp tính diễn ra có tính chất đột ngột, kéo dài từ 3 - 10 ngày và nghiêm trọng nhất trong khoảng 24 - 48 giờ. Sau cơn cấp tính, nó có thể giảm dần rồi tự khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu không được điều trị, các đợt viêm cấp sau này sẽ kéo dài hơn, có thể không tự hết được, ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động.
b. Các triệu chứng bệnh gout mạn tính
Giữa các cơn gout cấp thường không có bất kỳ triệu chứng gì, song tinh thể muối urate vẫn tiếp tục lắng đọng. Khi bệnh gout không được điều trị đầy đủ sẽ trở thành mạn tính gây ra các tổn thương vĩnh viễn. Lúc này, gout thường ảnh hưởng đến nhiều khớp trên khắp cơ thể kèm theo biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp.
Ở bệnh gout mạn tính, các hạt tophi trông giống như nốt sần trên thân cây bắt đầu hình thành trong khớp, xương, sụn, gân, da và đôi khi có thể trong nội tạng. Các hạt tophi này được tạo thành từ sự lắng đọng các tinh thể monosodium urate bao quanh bởi tình trạng đáp ứng viêm tạo mô hạt.
Bản thân hạt tophi không gây đau đớn, nhưng tình trạng viêm do phản ứng của mô với nốt tophi làm người bệnh rất đau đớn. Nếu không được điều trị, những hạt tophi này có thể phá hủy xương và sụn khiến khớp bị biến dạng vĩnh viễn.
3. Nguyên nhân của bệnh gout
Đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ bị gout
Phần lớn các trường hợp bị bệnh gout chưa rõ nguyên nhân. Song một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác do có yếu tố nguy cơ làm tăng tổng hợp hoặc giảm bài tiết axit uric như:
- Giới tính: 80-90% trường hợp bị gout là nam giới và đa số khởi phát ở ở độ tuổi trung niên. Bệnh gout ở nữ giới hiếm gặp hơn và chủ yếu xuất hiện sau mãn kinh (sau 60 tuổi).
- Di truyền: Người có cha mẹ, anh chị em hoặc thành viên khác trong gia đình mắc bệnh gout sẽ có nguy cơ cao hơn do liên quan đến một số gien như: SLC2A9, ABCG2, SLC17A1, SLC17A3, GCKR.
- Thuốc: Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng lao, aspirin liều thấp, cyclosporin A,…
- Thừa cân, béo phì.
- Rối loạn chuyển hóa.
- Tăng huyết áp, suy tim.
- Bệnh thận mạn hoặc ghép tạng
- Bệnh vảy nến.
- Bệnh máu ác tính.
- Nhiễm độc chì.
Thông thường các thực phẩm chứa nhiều purin không gây ảnh hưởng cho người khỏe mạnh nhờ cơ chế tự đào thải. Nhưng ở một số người, chế độ ăn nhiều purin có thể làm tăng axit uric máu và gây ra cơn gout. Một số thực phẩm đó là:
- Đồ uống có cồn (đặc biệt là bia và rượu nặng);
- Đồ uống chứa nhiều đường fructose hoặc sucrose;
- Thịt đỏ và tạng động vật, đặc biệt là tim, gan, thận;
- Hải sản như tôm, hàu, cá cơm, cá mòi, cá trích…
4. Biến chứng của bệnh gout
Bệnh gout thường có thể điều trị mà không cần phẫu thuật. Nếu không được điều trị đủ, sau nhiều năm bệnh có thể làm tổn thương khớp, rách gân và gây nhiễm trùng da ở khớp. Các hậu quả khác bao gồm:
- Tophi: Bệnh gout cấp không được điều trị có thể gây lắng đọng các hạt tophi. Khi tophi tích tụ trong các khớp, chúng dẫn đến biến dạng và đau mạn tính, hạn chế khả năng vận động và cuối cùng có thể phá hủy hoàn toàn các khớp. Các hạt tophi cũng có thể bị vỡ, xì ra chất trắng như phấn.
- Tổn thương thận: Các tinh thể urat khi lắng đọng ở nhu mô thận có thể gây ra sỏi thận và cuối cùng ảnh hưởng đến khả năng lọc của thận.
- Tổn thương đường tiết niệu: Tinh thể urat lắng đọng ở đường tiết niệu có thể gây ra sỏi đường tiết niệu.
5. Điều trị bệnh gout
Các phương pháp điều trị bệnh gout giúp giảm đau và viêm, bao gồm uống thuốc, chú ý chế độ ăn uống, tầm soát và điều trị các biến chứng và bệnh lý phối hợp. Có một số nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh gout là: NSAID, colchicine và corticosteroid. Bởi vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ nếu không sử dụng đúng cách, người bệnh không tự ý mua thuốc uống mà cần thăm khám và sử dụng thuốc kê đơn từ bác sĩ. Kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh gout.
Đối với bệnh gout thì việc điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống, sinh hoạt là bắt buộc để kiểm soát axit uric máu, bao gồm:
- Bỏ hẳn hoặc hạn chế tối đa đồ uống có cồn, nhất là rượu bia;
- Hạn chế đồ uống có đường;
- Uống đủ nước;
- Có thể sử dụng sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo;
- Giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì;
- Có chế độ vận động thích hợp;
- Hạn chế ăn các thực phẩm giàu purin, bao gồm các loại thịt đỏ, nội tạng động vật và một số loại hải sản;
- Ưu tiên các loại protein có nguồn gốc thực vật;
- Ăn các loại carbohydrate phức hợp như trái cây và rau củ thay cho bánh kẹo ngọt và carbohydrate tinh chế.
Trong một số trường hợp, tùy thuộc vào mức độ tổn thương do tophi gây ra, có thể cần phẫu thuật để điều trị tophi.
6. Phòng ngừa bệnh gout
Không ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin để phòng ngừa bệnh gout
Bệnh gout thường không có dấu hiệu báo trước cho đến khi xảy ra cơn gout cấp tính đầu tiên. Vì vậy việc phòng ngừa bệnh gout tập trung vào ngăn chặn các cơn gout trong tương lai hoặc giảm bớt mức độ nghiêm trọng của chúng.
Nhóm đối tượng có các yếu tố nguy cơ bệnh gout cần lưu ý khi sử dụng các thực phẩm dưới đây để hạn chế nguy cơ bị gout:
a. Hạn chế
- Thuốc lá, thuốc lào;
- Rượu bia và đồ uống có cồn khác;
- Tất cả các loại nội tạng động vật: gan, thận, lá lách, tim, óc …;
- Sản phẩm thịt lên men hoặc chế phẩm từ thịt: xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, giăm bông…;
- Đồ uống có đường: nước ngọt và siro giàu fructose;
- Carbohydrat tinh chế: bánh, kẹo, thực phẩm thêm đường.
b. Sử dụng vừa phải
- Cá: cá cơm, cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá hồi;
- Hải sản khác: sò điệp, trai, hàu, vẹm, cua, tôm và trứng cá…;
- Thịt đỏ: thịt bê, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu;
- Thịt gia cầm: gà, ngỗng, ngan, vịt;
- Socola và cacao.
c. Tăng cường
- Trái cây: Tất cả các loại trái cây nói chung đều tốt, đặc biệt là cherry, việt quất, mâm xôi, dâu tây, táo, dừa, nho, cam quýt…
- Rau củ: Mặc dù một số loại rau (súp lơ trắng, măng tây, nấm…) chứa nhiều purin nhưng chúng không làm tăng nguy cơ bệnh gout và không bị hạn chế. Một số loại rau củ rất tốt là cà rốt, ngò, dưa chuột, thì là, tỏi tây, đậu bắp, khoai tây, bí ngô.
- Các loại đậu: Tương tự, mặc dù một số loại đậu như đậu xanh, đậu lăng giàu purin, nhưng chúng là nguồn cung cấp protein lành mạnh để thay thế nguồn protein từ động vật, kể cả đậu nành và đậu phụ;
- Các loại hạt: óc chó, mắc ca, hạnh nhân, hạt bí, chia…;
- Ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, lúa mạch, gạo lứt…;
- Các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo;
- Trứng;
- Đồ uống như trà xanh và trà thảo mộc.
Gout là bệnh lý viêm khớp thường gặp. Gout nếu không được điều trị hợp lý có thể gây ra nhiều biến chứng, tăng nguy cơ tàn phế, các bệnh đồng mắc và tử vong.
Ngoài các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như di truyền, tuổi tác, chủng tộc, giới tính thì bệnh gout có thể phòng ngừa được bằng cách duy trì cân nặng, tập thể dục, uống đủ nước, hạn chế rượu bia và có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.
Khi bạn có các triệu chứng của bệnh gout, đặc biệt là các cơn đau đột ngột ở khớp bàn chân, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.