Phẫu thuật tụ máu não thường được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp cần thiết, ví dụ khi não bị tụ máu do chấn thương, đột quỵ. Chi phí mổ tụ máu não phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có sự chênh lệch giữa các cơ sở y tế. Người bệnh nên tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện.
Khi các mạch máu lớn ở não bị tổn thương có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết, tụ máu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Trong trường hợp cần thiết, phẫu thuật tụ máu não sẽ được áp dụng để lấy máu tụ ra ngoài, bảo vệ sức khỏe cho người bệnh. Vậy phẫu thuật tụ máu não có nguy hiểm không? Chi phí mổ tụ máu não bao nhiêu tiền?
Mục tiêu của phẫu thuật tụ máu não
Phẫu thuật tụ máu não (hay mổ tụ máu não) thường được bác sĩ chỉ định thực hiện cho những trường hợp có khối máu tụ bên trong sọ não. Nếu phương pháp phẫu thuật được áp dụng thì bác sĩ giải phẫu thần kinh và các kỹ thuật viên sẽ trực tiếp thực hiện. Hình thức phẫu thuật sẽ được chọn sao cho phù hợp với loại máu tụ và tình trạng sức khỏe của người bệnh, cụ thể bao gồm:
- Dẫn lưu phẫu thuật: Trong trường hợp máu tụ tại một vùng và đã chuyển từ dạng cục sang lỏng thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện hình thức dẫn lưu phẫu thuật. Lúc này, bác sĩ sẽ tạo ra lỗ nhỏ trên hộp sọ người bệnh rồi dùng lực hút để hút bỏ chất lỏng ra ngoài. Đây chính là mục tiêu mà kỹ thuật dẫn lưu phẫu thuật tụ máu não hướng đến.
- Mở sọ: Nếu kích thước của các khối máu tụ lớn thì bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh áp dụng hình thức mở sọ. Qua đó, bác sĩ sẽ loại bỏ khối máu tụ một cách thuận lợi hơn, đạt được mục đích giúp người bệnh khắc phục triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Phẫu thuật tụ máu não được thực hiện như thế nào?
Quy trình mổ tụ máu não phải được bác sĩ giỏi chuyên môn thực hiện chuẩn chỉnh, khoa học, dưới sự hỗ trợ của máy móc, trang thiết bị hiện đại. Chỉ có như vậy, ca phẫu thuật mới diễn ra thuận lợi, mang đến hiệu quả tối ưu, hạn chế rủi ro cho người bệnh. Dưới đây là quy trình cơ bản của một số phương pháp phẫu thuật tụ máu não đang được ứng dụng phổ biến:
1. Phẫu thuật mở hộp sọ
Phẫu thuật mở hộp sọ là phương pháp thường được chỉ định cho trường hợp tụ máu dưới màng cứng xuất hiện ngay sau khi người bệnh bị chấn thương nghiêm trọng ở đầu (còn gọi là tụ máu dưới màng cứng cấp tính). Khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ tạo ra một vạt tạm thời bên trong hộp sọ. Khối máu tụ sẽ được bác sĩ loại bỏ nhẹ nhàng thông qua cách hút và tưới. Lúc này, bác sĩ sẽ dùng chất lỏng để rửa sạch khối máu tụ. (1)
Sau khi thực hiện xong phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt phần hộp sọ được mở trở lại vị trí cũ, đồng thời cố định bằng đinh vít hoặc các tấm kim loại. Phương pháp phẫu thuật tụ máu não này được tiến hành dưới hình thức gây mê toàn thân, với sự hỗ trợ của các máy móc chuyên dụng như robot mổ não hiện đại bậc nhất Modus V Synaptive tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hoặc hệ thống định vị navigation, kính vi phẫu…
2. Phẫu thuật lỗ khoan
Phẫu thuật lỗ khoan thường được bác sĩ chỉ định cho trường hợp tụ máu dưới màng cứng đã phát triển vài ngày/tuần sau khi người bệnh bị chấn thương nhẹ tại đầu (còn gọi là trường hợp tụ máu dưới màng cứng mạn tính).
Khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ tiến hành khoan một hoặc nhiều lỗ nhỏ trong hộp sọ, sau đó đưa một ống cao su dẻo chuyên dụng vào để dẫn lưu máu tụ. Ống này đôi khi sẽ được đặt tại chỗ trong vài ngày sau đó nhằm mục đích hút hết máu đồng thời làm giảm nguy cơ xuất hiện lại khối máu tụ. (2)
Người bệnh thường được gây mê toàn thân trong lúc làm phẫu thuật lỗ khoan. Thế nhưng cũng có trường hợp bác sĩ chỉ định gây tê tại chỗ cho người bệnh. Điều này có nghĩa là trong suốt quá trình phẫu thuật tụ máu não này, người bệnh có thể tỉnh táo nhưng không cảm thấy đau vì da đầu đã được gây tê.
3. Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi lấy máu tụ trong não có ưu điểm là làm gia tăng khả năng kiểm soát, giúp bác sĩ dễ dàng xác định nguồn gốc chảy máu và vị trí tụ máu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy hết phần máu tụ và thực hiện cầm máu thuận lợi hơn khi áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi.
Phẫu thuật tụ máu não nội soi thường được chỉ định cho các trường hợp máu tụ trong não thùy chẩm, não thùy trán, não thùy đỉnh, não thùy thái dương, não thất và tiểu não. Hiện tại, phương pháp phẫu thuật này không có chống chỉ định tuyệt đối. Quy trình mổ tụ máu não nội soi được thực hiện như sau:
- Chuẩn bị các thiết bị, máy móc liên quan như dụng cụ nội soi, robot mổ não, kính vi phẫu… Bác sĩ sẽ điều chỉnh tư thế và cố định đầu của người bệnh với khung chuyên dụng. Trong những trường hợp dùng robot mổ não hay định vị neuronavigation thì người bệnh cần được chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính.
- Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành rạch da, bộc lộ xương sọ của người bệnh, thực hiện thao tác khoan và mở nắp sọ.
- Với sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng, bác sĩ sẽ mở được màng cứng. Bác sĩ cũng mở vỏ não ở vùng gần khối máu tụ, có ít chức năng, khi thực hiện thao tác sẽ tránh các dây thần kinh và mạch máu.
- Thông qua sự hỗ trợ của thiết bị nội soi, robot mổ não hoặc kính vi phẫu, bác sĩ có thể kiểm soát nguồn chảy máu cũng như khối máu tụ cùng những cấu trúc xung quanh. Ống nội soi được dùng là ống 0, 30, 45, 70 độ. Dưới ánh sáng nội soi, bác sĩ có thể kiểm soát được tình trạng máu tụ, tiến hành lấy máu bằng ống hút cong, máy hút. Dao điện bipolair cong sẽ được sử dụng để cầm máu.
- Sau cùng, bác sĩ sẽ đóng màng cứng lại, tiến hành cố định nắp sọ và thực hiện thủ thuật đóng da.
Xem thêm: 2 cách điều trị tụ máu não phổ biến
Chi phí phẫu thuật tụ máu não bao nhiêu tiền?
Chi phí mổ tụ máu não hiện dao động từ 25.000.000 - 35.000.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá này chỉ mang tính tham khảo vì chi phí sẽ thay đổi theo thời gian hoặc phụ thuộc từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, chi phí phẫu thuật tụ máu não ở mỗi cơ sở y tế sẽ khác nhau vì còn phụ thuộc vào các yếu tố như sau:
- Trình độ của đội ngũ bác sĩ: Nếu ca phẫu thuật tụ máu não được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm thì chi phí thường sẽ được định giá ở mức tương xứng.
- Trang thiết bị, máy móc: Thiết bị, máy móc hiện đại sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình thực hiện phẫu thuật của bác sĩ. Qua đó ca mổ có thể mang lại hiệu quả tối ưu, hạn chế thấp nhất rủi ro. Đương nhiên, bệnh viện lớn được trang bị hệ thống máy móc, dụng cụ tân tiến sẽ có chi phí phẫu thuật cao hơn những cơ sở y tế khác.
- Phương pháp thực hiện: Mổ tụ máu não có nhiều kỹ thuật thực hiện. Tùy vào từng ca bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp, tối ưu. Và mỗi hình thức phẫu thuật thường cũng sẽ có chi phí khác nhau.
- Chất lượng dịch vụ: Khi thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện lớn, dịch vụ tốt, người bệnh sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng, cẩn thận, chu đáo, tiện nghi. Lúc này, mức chi phí cần thanh toán cũng sẽ cao hơn.
- Bảo hiểm: Chi phí mổ tụ máu não sẽ giảm bớt nếu bạn được bảo hiểm hỗ trợ chi trả. Người bệnh nên tìm hiểu kỹ hơn về điều khoản bảo hiểm mà mình đang sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
Lưu ý, bảng giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ.
Phẫu thuật tụ máu não có nguy hiểm không?
Phẫu thuật tụ máu não có thể dẫn đến biến chứng nhất định, dù không xảy ra nhiều. Dưới đây là một số vấn đề điển hình có thể xảy ra sau khi thực hiện phẫu thuật tụ máu não:
- Tình trạng chảy máu trên não vẫn tiếp diễn.
- Xuất hiện chứng nhiễm trùng tại vết thương hoặc vạt sọ.
- Xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch chân.
- Co giật.
- Đột quỵ.
Lý do xảy ra biến chứng có thể là vì khối máu tụ chưa được loại bỏ hết hoặc người bệnh gặp phải những triệu chứng xuất hiện từ trước khi làm phẫu thuật. Theo thời gian, các vấn đề kể trên có thể sẽ được cải thiện tốt hơn hoặc tồn tại vĩnh viễn. Ở một số trường hợp, khối máu tụ có nguy cơ quay trở lại sau khi phẫu thuật vài ngày hoặc vài tuần. Nếu tình trạng này xảy ra, người bệnh có thể phải thực hiện thêm phẫu thuật tụ máu não để dẫn lưu lại.
Tuy nhiên, hiện nay với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị, máy móc mổ não hiện đại sẽ giúp hạn chế tối đa biến chứng, di chứng cho người bệnh khi mổ tụ máu não.
Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau mổ tụ máu não
Sau khi hoàn tất ca mổ tụ máu não, người bệnh sẽ được theo dõi để đảm bảo các chức năng liên quan hoạt động tốt, bao gồm tri giác, hoạt động tuần hoàn, hô hấp, cảm giác, chức năng của các dây thần kinh,… Trường hợp vết mổ bị chảy máu thì sẽ tiến hành thay băng, khâu vết thương. Người bệnh mắc chứng phù não sẽ được điều trị nội chống phù, nếu không hiệu quả thì cần phẫu thuật mở nắp sọ giảm áp. Bác sĩ có thể cho bạn dùng kháng sinh nếu xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng.
Nếu quá trình thực hiện phẫu thuật tụ máu não diễn ra suôn sẻ, người bệnh không gặp bất kỳ biến chứng nào thì có thể được xuất hiện sau vài ngày. Trong trường hợp gặp vấn đề bất thường sau khi mổ tụ máu não, người bệnh sẽ được yêu cầu ở lại bệnh viện thêm khoảng vài tuần để bác sĩ chữa trị, theo dõi.
Nếu người bệnh bị biến chứng dai dẳng sau phẫu thuật, điển hình là yếu tay chân, gặp vấn đề bất lợi về trí nhớ thì có thể cần chữa trị thêm để sớm hồi phục sức khỏe, dần quay trở lại hoạt động, sinh hoạt như bình thường. Mỗi người sẽ có thời gian phục hồi sau mổ tụ máu não khác nhau. Người bệnh có thể cảm thấy khỏe hơn sau vài tuần.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa chia sẻ đến bạn một số thông tin về các kỹ thuật, chi phí, quy trình thực hiện,… của phương pháp phẫu thuật tụ máu não. Để nhận được hiệu quả tối ưu, hạn chế biến chứng, đảm bảo an toàn, người bệnh nên làm phẫu thuật này ở cơ sở y tế uy tín.