Bớt hori là một bệnh ngoài da liên quan đến rối loạn sắc tố khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người thường nhầm lẫn nó với một số vấn đề ngoài da khác như nám da, tàn nhang,... Vậy đâu mới là triệu chứng điển hình của bớt hori để phân biệt với các bệnh lý khác? Nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Và làm thế nào để điều trị? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để được giải đáp nhé!
Bớt hori là gì?
Bớt hori (hay còn gọi là hori nevus) được đặt theo tên của bác sĩ người Nhật nghiên cứu và phát hiện ra nó vào năm 1984. Đây là tình trạng tăng sắc tố da ở một số vị trí trên cơ thể, đặc biệt là mặt. Nó thường xuất hiện ở những người từ 15 trở lên và tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới.
Bớt hori là bệnh lành tính, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nó lại gây ra nhiều vấn đề liên quan đến tính thẩm mỹ. Ngoài ra, nếu không được chăm sóc đúng cách, bớt hori có thể lây lan sang các vùng da xung quanh.
Nguyên nhân dẫn đến bớt hori?
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự dẫn đến sự xuất hiện của bớt hori vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có một số giả định cho rằng nguyên nhân gây ra bớt hori có thể là do:
- Sự phân bố bất thường, lạc chỗ của các tế bào hắc tố ở lớp trung bì của da.
- Sự kích hoạt của các yếu tố như tia UV, rối loạn hormone, mang thai, viêm da,... có thể làm tăng mật độ của các tế bào hắc tố các vị trí da bị tổn thương.
- Do di truyền.
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc gây rối loạn hormone như thuốc tránh thai,...
Các dấu hiệu điển hình của bớt hori
Đặc trưng điển hình của bớt hori là những mảng tròn riêng biệt có màu xám hoặc nâu. Những đốm tăng sắc tố này thường xuất hiện ở vùng da mặt đặc biệt là 2 bên gò má, 2 bên thái thương, mí mắt hoặc trán.
Chính vì những đặc điểm trên mà bớt hori thường bị nhầm lẫn với nám và tàn nhang. Do đó, để phân biệt bớt nó với nám, tàn nhang, đốm đồi mồi và các vết bớt thông thường khác,... các chuyên gia da liễu đã đưa ra một số đặc điểm riêng biệt của bớt hori như sau:
- Hình dạng và mật độ: Bớt hori thường có hình tròn, xuất hiện riêng biệt theo từng chấm chứ không phải cả một mảng to như nám.
- Màu sắc: Bớt hori thường có màu xám, nâu, đôi khi có thể là màu đen. Còn các vết bớt thông thường sẽ có nhiều màu sắc khác nhau và có thể thay đổi theo một số yếu tố như tia UV, nội tiết, cơ địa,...
- Mô học: Khi soi dưới kính hiển vi với độ phóng đại lên đến hàng chục hàng trăm lần, các vết bớt hori thường có sự tăng sắc tố ở cả thượng bì và trung bì.
- Vị trí xuất hiện: Thường xuất hiện nhiều nhất ở hai bên gò má và hai bên thái dương.
- Độ tuổi xuất hiện: Bớt hori thường xuất hiện ở nữ giới từ 15 tuổi trở lên. Còn nám, tàn nhang thường xuất hiện muộn hơn, ở độ tuổi trung niên, sau sinh hoặc độ tuổi mãn kinh, tiền mãn kinh.
- Một số biểu hiện khác: Không bị ngứa hay đỏ da. Đôi khi, nó có thể xuất hiện cùng lúc với nám và tàn nhang.
Cách điều trị bớt hori
Bớt hori được đặc trưng bởi tình trạng tăng sắc tố ở lớp trung bì, do đó việc điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da gần như không có hiệu quả. Các loại thuốc bôi này chỉ có thể giảm bớt chứ không thể điều trị tận gốc và mất khá nhiều thời gian của người bệnh.
Theo các bác sĩ da liễu, phương pháp được lựa chọn hàng đầu là laser. Các tia laser sẽ phá vỡ các sắc tố da và loại bỏ chúng. Phương pháp này không xâm lấn nên không gây tổn thương nhiều cho da, cũng như không để lại sẹo.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng da cũng như trình độ chuyên môn của các bác sĩ mà mức độ đáp ứng của mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau.
Quy trình điều trị bằng laser gồm các bước sau:
- Bước 1: Bác sĩ tiến hành thăm khám da và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp tùy theo tình trạng da của bệnh nhân.
- Bước 2: Tiến hành gây tê tại chỗ để giảm cảm giác châm chích, đau rát khi điều trị bằng laser.
- Bước 3: Kiểm tra thử tại một vùng da nhỏ để xem phản ứng và đáp ứng của bệnh nhân.
- Bước 4: Nếu phản ứng của bệnh nhân tốt, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bớt hori bằng laser trên toàn bộ các đốm sắc tố.
- Bước 5: Hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc da sau khi điều trị và đặt lịch tái khám.
Một số lưu ý khi chăm sóc da sau điều trị bớt hori bằng tia laser
Để đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Không sử dụng các loại mỹ phẩm chứa các thành phần dễ gây kích ứng như BHA, AHA, vitamin C, retinol,... vì lúc này da đang rất yếu.
- Trong 2 - 3 ngày đầu sau điều trị, chỉ nên rửa mặt bằng nước muối hoặc nước sạch và lau bằng khăn bông mềm mịn.
- Sau khoảng 3 - 4 ngày, bạn có thể lựa chọn các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, có độ pH phù hợp với pH của da. Nên che chắn kỹ và bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài.
- Không đưa tay chạm vào vết thương hoặc bóc lớp vảy trên da.
- Không gãi vết thương để tránh nhiễm trùng, gây sẹo.
- Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm chứa thành phần lành tính, không gây kích ứng để tránh da bị khô.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để tạo điều kiện cho da hồi phục.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong vài ngày đầu sau laser.
Tóm lại, bớt hori là một tình trạng rối loạn sắc tố da khá phổ biến. Mặc dù, nó không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhưng nó liên quan đến tính thẩm mỹ. Việc điều trị bằng laser sẽ giúp phá bỏ các đốm sắc tố từ sâu bên trong. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng thì còn phụ thuộc vào từng bệnh nhân. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này sẽ có ích với bạn.