Ngoài mơ, sấu, đào ngâm thì dâu tằm cũng là loại quả rất thích hợp đem ngâm để lấy nước uống giải khát cho ngày hè. Cách ngâm dâu tằm không khó, chỉ cần vài nguyên liệu cơ bản là đường trắng/đường phèn cùng dâu tằm và 1 chiếc lọ thủy tinh là bạn đã có thể tự tay làm một bình dâu ngâm thơm ngon chiêu đã cả nhà trong thời tiết nắng nóng của mùa hè.
Ngâm dâu tằm đơn giản, ai cũng có thể làm được
Tham khảo cách làm dâu tằm ngâm với đường cực kỳ đơn giản, dễ làm được Bếp Eva sưu tầm ngay sau đây nhé.
Cách ngâm dâu tằm với đường ngon, để được lâu
Để hoàn thành món dâu tằm ngâm đường, bạn cần có khoảng 30 phút chuẩn bị và 20 phút ngâm dâu.
Nguyên liệu:
- 2kg dâu tằm chín
- Từ 1 - 1,2kg đường trắng hoặc đường phèn
Dâu tằm chín đỏ thơm ngon, đem ngâm đường rất hợp
Hướng dẫn cách ngâm dâu tằm với đường
Bước 1: Sơ chế dâu tằm
Cho dâu tằm vào chậu nước sạch, rửa nhẹ nhàng để dâu tằm ra hết bụi bẩn. Không nên rửa mạnh tay vì dâu chín rất dễ nát.
Nếu sợ màu tím của dâu phai ra tay khó rửa bạn có thể dùng gang tay nấu ăn khi rửa dâu. Rửa khoảng 2-3 nước. Vớt dâu ra, để ráo.
Ngâm, rửa dâu tằm thật sạch
Bước 2: Chần dâu tằm
Đun sôi một nồi nước lớn, thêm một xíu muối, khuấy đều để muối tan. Khi nước sôi, tắt bếp, để cho nước nguội bớt rồi cho dâu vào chần trong vài phút (3 phút). Sau đó bớt dâu ra để cho ráo nước.
Chần sơ dâu tằm với nước sôi sẽ giúp cho dâu không bị màng khi ngâm.
Bước 3: Ngâm dâu tằm với đường
Cách ngâm dâu tằm với đường cực kỳ đơn giản. Bạn chỉ cần cho một lớp dâu vào trong khay chứa lớn. Cứ rải một lớp dâu lại đến một lớp đường cho đến khi hết. Đậy kín đường lại.
Khi ngâm, bạn cứ rải 1 lớp dâu 1 lớp đường
Nếu bạn chỉ ngâm dâu lấy nước, bạn có thể cứ để dâu như vậy từ 2 - 3 ngày là đường tan hết. Lúc này chỉ việc lấy nước dâu ra pha nước uống. Tuy nhiên, nước dâu rất dễ lên men, sau khi ngâm 2 - 3 ngày thì cho dâu vào các bình thủy tinh, cất trữ trong tủ lạnh nhé. Uống trong khoảng 2 tuần.
Bình dâu tằm ngâm đường sau 2 ngày
Sau khoảng 3 ngày là bạn có thể đem nước dâu ra sử dụng
Vẫn cách ngâm dâu tằm này, ngoài cách làm theo kiểu truyền thống, bạn có thể đem chế thành siro dâu tằm. Cụ thể:
Nếu bạn làm si rô dâu, thì sau khi ngâm đường qua một đêm, cho dâu vào nồi đun sôi. Sau đó giảm lửa, đun thêm khoảng 35 - 40 phút. Nước trong quả dâu sẽ ra hết.
Để dâu nguội. Lọc lấy phần nước si rô dâu cho vào lọ bảo quản. Còn phần quả có thể xay ra làm mứt, sên cho đặc lại rồi ăn kèm với bánh mì hoặc làm bánh quy các loại… Hoặc để nguyên quả, sên cho chắc lại, để dành ăn vặt.
Siro dâu pha nước hoặc làm mứt ăn cùng bánh mì rất ngon
Lưu ý, nếu ngâm nước dâu tươi, nước uống sẽ rất thơm và tươi ngon. Còn làm si rô dâu, nước si rô sẽ kém thơm hơn nhưng lại để được lâu hơn.
Mẹo ngâm dâu tằm ngon, không bị lên men, nổi váng
Trong quá trình thực hiện món dâu tằm ngâm có rất nhiều người gặp phải lỗi như: Bình dâu bị lên men, bề mặt có váng, nước dâu ngâm có mùi lạ… Vậy làm thế nào để có một bình dâu ngâm ngon?
Lựa chọn bình ngâm dâu đạt chuẩn
Một trong những điểm quyết định đến chất lượng của món dâu ngâm này chính là bình đựng dâu. Nên chọn những chiếc bình thủy tinh, nó không chỉ giúp món dâu ngâm của bạn trông đẹp mắt hơn mà còn đảm bảo được hương vị của món ăn thơm ngon, không lo độc hại.
Tránh sử dụng bình nhựa vì các chất độc hại có trong loại nguyên liệu này sẽ tác động ngược trở lại khiến dâu ngâm vừa không ngon lại đe dọa trực tiếp tới sức khỏe.
Đảm bảo thời gian ngâm
Dù bạn làm mơ ngâm, sâu ngâm hay bất cứ loại quả nào ngâm thì thời gian cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Thời gian ngâm dâu nên kéo dài từ 5 ngày đến 1 tháng tùy vào việc bạn ngâm với đường thông thường.
Chọn bình ngâm phù hợp và rửa dâu đúng cách là điều bạn cần lưu ý
Sơ chế dâu đúng cách
Nguyên nhân gây ra hiện tượng dâu bị nổi váng là do bạn sơ chế dâu sai cách. Theo kinh nghiệm của các chị em nội trợ lâu năm, dâu muốn ngon phải được rửa sạch, ngâm muối và để thật ráo nước.
Nếu có thể, bạn nên chần sơ dâu qua nước sôi như thế dâu vừa ngon mà không sợ bị mốc, váng trong quá trình ngâm.
Ngoài ra, bạn cũng không nên rửa dâu quá mạnh tay khiến cho bề mặt dâu bị nát, khi ngâm không để được lâu.
Đảm bảo bình khô ráo
Một trong những lưu ý ở cách ngâm dâu tằm này là bình ngâm dâu phải sạch sẽ và khô ráo. Bạn nên rửa bình bằng nước sôi rồi để cho thật khô sau đó mới bắt đầu cho dâu vào, như thế sẽ đảm bảo được chất lượng của bình dâu tằm ngâm.
Dâu tằm ngâm đường để được bao lâu?
Vì đường và dâu khi kết hợp với nhau thì sẽ lên men rất nhanh, do đó ngâm dâu tằm cùng với đường bạn chỉ có thể để được trong khoảng từ 1 - 2 tuần.
Lưu ý, điều kiện tốt nhất để bảo quản dâu tằm ngâm được lâu là cất giữ trong tủ lạnh hoặc những nơi thoáng mát với mức nhiệt tối đa là 15 độ.
Tuyệt đối không để bình dâu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhé. Với cách ngâm dâu tằm với đường, sau 2 - 3 ngày ngâm phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nhé.
Cách pha nước dâu tằm ngon
Khi bình dâu tằm ngâm đường của bạn đã đến ngày được thưởng thức, hãy lấy từ 1 - 4 thìa nước cốt dâu rồi cho vào cốc thủy tinh. Thêm vào đây chừng 50ml nước lọc rồi khuấy đều lên.
Thêm 1 chút đá xay để cốc nước dâu tằm của bạn thêm thanh mát và hấp dẫn hơn.
Vì cách ngâm dâu tằm với đường cho ra thành quả khá ngọt vì thế bạn không cần bổ sung thêm đường hay các chất tạo ngọt. Nhớ thêm 1 vài quả dâu tằm tươi lên trên và 1 chiếc lá bạc hà trang trí cho cốc nước trông hấp dẫn hơn nhé.
Nước dâu tằm thơm ngon, thanh nhiệt, giải khát cực kỳ tốt
Dâu tằm ngâm bao nhiêu calo?
Một cốc dâu tằm ngâm đường bao nhiêu calo là điều mà nhiều người quan tâm. Ước tính, cứ 100g dâu tằm tươi sẽ chứa khoảng 60 calo. Với cách ngâm dâu tằm cùng đường thì hàm lượng calo sẽ tăng lên khoảng 100 - 150 calo . Nhìn chung, so với các loại đồ uống khác thì dâu tằm ngâm không có lượng calo quá cao.
Hy vọng rằng, cách ngâm dâu tằm với đường mà Bếp Eva vừa chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm một công thức làm nước hoa quả tại nhà vừa ngon, dễ chế biến lại thích hợp với mọi đối tượng. Chúc bạn thành công!