Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Vitamin D3 thường được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng do thiếu vitamin D, đặc biệt là tình trạng về da hoặc xương. Loại vitamin này tốt các loại vitamin D khác và làm tăng nồng độ vitamin D trong máu cao hơn vitamin D2. Vitamin D3 sẽ phát huy tác dụng khi được sử dụng với liều lượng và thời điểm thích hợp. Chính vì thế, cách dùng vitamin D3 sao cho hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn cho cơ thể là điều mà nhiều người quan tâm hiện nay.
1. Vitamin D3 có tác dụng gì?
Vitamin D3 còn được gọi là cholecalciferol, là một loại vitamin tan trong dầu, được xử lý qua gan và thận. Khi hoạt động trong cơ thể, vitamin này sẽ liên kết với một số lượng tế bào trong cơ thể đề điều chỉnh canxi và phốt pho từ thức ăn. Vitamin D3 mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như:
1.1 Xương
Vitamin D có thể tăng cường sự hấp thụ canxi ở ruột non, hỗ trợ tăng cường mật độ xương và tăng trưởng cơ bắp. Nếu cơ thể không có đủ vitamin D để hấp thụ canxi, cơ thể sẽ lấy canxi ra khỏi xương. Điều này khiến xương trở nên yếu, dễ gãy và tăng nguy cơ loãng xương.
Các nghiên cứu cho thấy, bổ sung đầy đủ lượng vitamin D cần thiết có thể giảm nguy cơ gãy xương và cải thiện sức mạnh cơ bắp. Ngoài ra, bổ sung hàm lượng vitamin D3 cao trong chế độ ăn uống có thể giúp cơ thể đạt được khối lượng xương đỉnh cao ở tuổi trưởng thành và ngăn ngừa loãng xương.
1.2. Hệ thống miễn dịch
Nhiều nghiên cứu cho biết việc bổ sung đầy đủ vitamin D3 có thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và viêm phổi.
1.3. Tim mạch
Các nghiên cứu cho biết, những người béo phì và cao huyết áp thường có mức vitamin D3 thấp. Do đó, một số kết luận cho rằng, bổ sung đầy đủ vitamin D3 có thể giảm huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim.
1.4. Giảm cân
Trong một số nghiên cứu ở phụ nữ sau mãn kinh, bổ sung đầy đủ lượng vitamin D3 cần thiết, thường có vòng eo thấp và chỉ số BMI ở mức cân đối.
Mặc dù, vitamin D mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên cơ thể không thể tự tổng hợp loại vitamin này. Vitamin D3 được cơ thể tạo ra khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Kem chống nắng, quần áo bảo hộ, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, da sẫm màu và tuổi tác có thể ngăn cơ thể không nhận đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Nguồn cung cấp vitamin D3 khác của vitamin D3 là từ thức ăn, các loại thực phẩm con người ăn hàng ngày. Do đó, bạn cần biết cách bổ sung đúng và hiệu quả nguồn vitamin này cho cơ thể. Đây là điều cần thiết để đảm bảo các hoạt động bình thường của cơ thể. Khi các nguồn cung cấp tự nhiên không đủ, sử dụng vitamin D3 dưới dạng dược phẩm và thực phẩm chức năng là điều cần thiết .
2. Cách bổ sung vitamin D3 cho cơ thể
Nếu cần bổ sung vitamin D cho cơ thể, bạn có thể sử dụng viên uống vitamin, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tăng lượng thực phẩm có chứa vitamin D.
2.1. Thực phẩm chức vitamin D3
Bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm là một trong những cách an toàn và đơn giản nhất. Cụ thể, các loại thực phẩm có chứa vitamin D3 bao gồm:
- Nguồn từ động vật: Gan bò; Bơ; Ngũ cốc; Phô mai; Dầu gan cá; Lòng đỏ trứng; Cá hồi tươi; Cá chim lớn; Cá thu; Sữa tăng cường vitamin D; Cá mòi; Cá ngừ.
- Nguồn từ thực vật: Hạnh nhân; Đậu Hà Lan; Yến mạch; Sữa đậu nành tăng cường vitamin D;
Mặc dù có nhiều loại thực phẩm chứa vitamin D, tuy nhiên cơ thể thường rất khó để hấp thụ toàn bộ lượng vitamin D thông qua chế độ ăn uống.
2.2. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Khi tia cực tím B (UVB) từ ánh sáng mặt trời chiếu vào các tế bào thụ thể vitamin D đặc biệt có trong da, sẽ kích hoạt các phản ứng hóa học đặc biệt và tạo ra vitamin D3. Do đó, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10 - 15 phút mỗi ngày có thể giúp bạn duy trì lượng vitamin D3 cần thiết.
2.3. Bổ sung vitamin D3 bằng các sản phẩm viên uống
Đối tượng là trẻ em, cần lưu ý các biện pháp bổ sung vitamin D3 đặc biệt:
Vitamin D3 đặc biệt ảnh hưởng đến đối tượng trẻ nhỏ. Thiếu vitamin D3 không có các triệu chứng cấp tính cụ thể mà thường trải qua một khoảng thời gian khi các triệu chứng biểu hiện rõ rệt thì chúng ta mới có thể nhận biết. Do đó, bố mẹ cần có kiến thức về cách bổ sung vitamin D và các dấu hiệu bất thường trong sự phát triển của trẻ để nhờ sự tư vấn của bác sĩ.
Một số lưu ý khi bổ sung vitamin D3 ở nhóm tuổi này, đó là:
- Tắm nắng: Đây là phương pháp rất hiệu quả và tiện lợi để giúp trẻ bổ sung vitamin D. Cha mẹ có thể cho bé tắm nắng vào buổi sáng, bởi đây là thời điểm da của bé có thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mà không hề gây hại gì cho sức khỏe. Ánh sáng mặt trời lúc này có thể làm thúc đẩy sự chuyển hoá 7 - Dehydrocholesterol thành vitamin D3.
- Bổ sung vitamin D bằng thực phẩm: Ăn uống đa dạng các loại thực phẩm (đủ 4 nhóm thực phẩm), sử dụng thực phẩm giàu vitamin D như cá, trứng (lòng đỏ trứng), gan, dầu cá,... Lựa chọn các thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em, bột mì, bánh quy, margarin, dầu ăn, ngũ cốc,...
- Ăn các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, bánh flan, phomat,.... Cần chú ý canxi trong sữa dễ hấp thụ hơn canxi từ các nguồn thực phẩm khác như cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nguyên vỏ mới chứa nhiều canxi.
- Các bữa ăn cần có đủ dầu, mỡ để tăng hấp thu vitamin D.
Theo khuyến nghị, mỗi ngày trẻ cần được bổ sung 400 đơn vị vitamin D. Tuy nhiên, bữa ăn thường ngày rất khó để có thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin D của trẻ, đặc biệt những trẻ sinh non, cơ thể bẩm sinh đã không đủ dự trữ vitamin D hoặc những trẻ phát triển nhanh. Chính vì thế, cha mẹ có thể lựa chọn các loại thực phẩm chức năng có vitamin D3 để bổ sung cho bé. Sau sinh khoảng 15 ngày đến khi 3 tuổi, bé có thể bắt đầu được bổ sung loại vitamin cần thiết này. Cha mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ phương pháp bổ sung vitamin D nào cho trẻ.
Cần lưu ý:
Trường hợp bé đang sử dụng sữa bột công thức cường hóa vitamin D, cha mẹ nên căn cứ vào lượng canxi đã được định rõ trong thành phần sữa để bổ sung phần còn thiếu, tránh lạm dụng khiến cho cơ thể của bé bị ảnh hưởng do thừa vitamin D.
2.4. Cách dùng vitamin D3 để đạt hiệu quả tối ưu nhất
Để vitamin phát huy hiệu quả tối ưu, bạn nên sử dụng vitamin đúng liều lượng và đúng thời điểm. Trước khi dùng, nếu bạn bị dị ứng với vitamin D hoặc các sản phẩm vitamin D khác (như calcitriol) hoặc bạn có tiền sử bệnh, đặc biệt là: nồng độ canxi/vitamin D cao, khó hấp thụ dinh dưỡng từ thực phẩm, bệnh thận, bệnh gan thì nên tham khảo ý kiến chuyên gia.
Nếu bạn sử dụng Vitamin D3 dạng lỏng, hãy cẩn thận đo liều lượng bằng thiết bị/muỗng đo chuyên dụng. Nếu bạn dùng Vitamin D3 dạng viên nhai hoặc bánh thuốc, hãy nhai kỹ thuốc trước khi nuốt. Nếu dùng Vitamin D3 dạng hòa tan, hãy lau khô tay trước khi uống thuốc. Đặt từng liều trên lưỡi, đợi thuốc hòa tan và sau đó nuốt bằng nước bọt hoặc nước. Bạn không cần thiết phải pha Vitamin D3 dạng hòa tan với nước.
Ngoài ra, một số loại thuốc (như cholestyramine/colestipol, dầu khoáng, orlistat) có thể làm giảm sự hấp thu vitamin D3. Nếu bạn có sử dụng những loại thuốc này, hãy uống chúng ít nhất 2 tiếng, lâu nhất có thể, trước khi uống vitamin D3.
Vì vitamin D3 là loại vitamin tan trong chất béo, có nghĩa là nó cần chất béo để cơ thể hấp thụ hoàn toàn. Vì vậy, dùng vitamin D3 là uống trong bữa ăn có chứa chất béo lành mạnh như bơ, trứng, các loại hạt, dầu dừa, dầu ô liu, hoặc hạt chia.
Thời điểm sử dụng vitamin D3 vào ban ngày với bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Hãy sử dụng Vitamin D3 vào thời điểm mà bạn thấy là thích hợp. Thông thường, sử dụng vào buổi sáng sẽ thuận tiện hơn và dễ nhớ hơn. Để tránh quên uống thuốc, bạn hãy dùng Vitamin D3 vào cùng một thời điểm trong ngày với liều một lần/ngày hoặc cùng một ngày/tuần với liều một lần/tuần.
3. Tác dụng phụ của Vitamin D3
Vitamin D3 ở liều bình thường hầu như không có tác dụng phụ. Do đó, nếu trong quá trình sử dụng có bất kỳ tác dụng bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ sớm nhất có thể.
Bổ sung quá nhiều vitamin D có thể gây tăng mức canxi trong máu. Vì thế, bạn hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về mức vitamin D/canxi cao như buồn nôn/nôn, táo bón, biếng ăn, tăng khát nước, tăng đi tiểu, thay đổi tâm trạng, mệt mỏi bất thường.
Phản ứng dị ứng rất hiếm khi xảy ra khi sử dụng vitamin D3. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm: phát ban, ngứa /sưng (đặc biệt là mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
4. Phòng ngừa tác dụng phụ khi sử dụng vitamin D3 cho bé và người lớn
Trước khi dùng vitamin D3, hãy nói với bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với vitamin D3, các sản phẩm vitamin D khác (như calcitriol) hoặc nếu bạn có bất kỳ loại dị ứng nào khác. Do sản phẩm vitamin D3 có thể chứa các thành phần không hoạt động (inactive ingredients) như đậu phộng/đậu nành, các thành phần có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề khác, do đó bạn cần cho bác sĩ và dược sĩ biết bạn có dị ứng với đậu phộng/đậu nành.
Trước khi sử dụng thuốc này, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tiền sử bệnh tật của bạn như nồng độ canxi/vitamin D cao (tăng calci máu/ngộ độc vitamin D), khó hấp thụ dinh dưỡng từ thực phẩm (hội chứng kém hấp thu), bệnh lý về thận và gan.
Các sản phẩm vitamin D3 dưới dạng lỏng, viên nhai hoặc viên hòa tan có thể chứa đường và/hoặc đường ăn kiêng aspartame. Các sản phẩm dưới dạng lỏng cũng có thể chứa cồn. Do đó, bạn cần thận trọng sử dụng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, bệnh gan, phenylketon niệu (PKU) hoặc bất kỳ tình trạng bệnh lý nào cần yêu cầu bạn hạn chế/tránh các chất này trong chế độ dinh dưỡng.
Trong khi mang thai, chỉ nên sử dụng liều lượng vitamin D dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Vitamin D3 có đi vào sữa mẹ, vì thế cần tham khảo ý kiến để bổ sung vitamin D cho bà mẹ sau sinh đúng cách, tránh tác dụng phụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com