Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, nguy hiểm có thể gây tử vong cao cho người bệnh. Vi khuẩn gây bệnh có tên gọi Clostridium terani, tiết độc tố protein mạnh là tetanospasmin. Bệnh diễn biến qua nhiều thời kỳ khác nhau, biểu hiện lâm sàng nhẹ với cứng hàm, nặng có thể co cứng toàn thân gây suy hô hấp, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vừa qua Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp người bệnh bị uốn ván. Đó là trường hợp Mai Văn L**, 60 tuổi, địa chỉ tại Quang Húc - Tam Nông - Phú Thọ. Cách vào viện 1 tuần, người bệnh có dẫm phải đinh sắt gỉ, sau đó không được tiêm phòng huyết thanh kháng uốn ván. Người bệnh nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, cứng khít hàm, co cứng cơ toàn thân, vã mồ hôi và nhanh chóng diễn tiến đến suy hô hấp.
Ngay khi tiếp nhận ca bệnh, nhận thấy đây là trường hợp uốn ván toàn phát với thời gian ủ bệnh ngắn, tiên lượng rất nặng nề, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực điều trị tích cực bằng các biện pháp đặt ống nội khí quản cấp cứu, mở khí quản, dùng các thuốc an thần, giãn cơ, trung hòa độc tố uốn ván, điều chỉnh các rối loạn thần kinh thực vật, kháng sinh phòng bội nhiễm, hỗ trợ dinh dưỡng.
Sau 1 tháng điều trị, tình trạng co cứng của người bệnh dần cải thiện, được rút canuyn khí quản, tình trạng lâm sàng dần cải thiện và có thể được ra viện trong vài ngày tới.
Theo BSCKI Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc “Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng, có khả năng gây tử vong do độc tố vi khuẩn uốn ván gây ra đặc trưng bởi các cơ co giật trên nền tăng trương lực cơ. Đây là trường hợp rất nặng do thời gian ủ bệnh ngắn, người bệnh diễn biến nhanh chóng đến suy hô hấp. Bệnh lý uốn ván nặng nề bởi thời gian độc tố uốn ván được đào thải khỏi cơ thể lâu cần 3- 4 tuần, trong thời gian này cần sự kiên trì, phối hợp tốt giữa người nhà và nhân viên y tế để giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn này.”
1.Tác nhân gây bệnh uốn ván:
Nha bào uốn ván có thể tồn tại nhiều trong môi trường đất bẩn, bụi đường, phân người, súc vật xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương rách da, vết bỏng, trầy da. Trực khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh - cơ, làm cho người bệnh bị co cứng cơ toàn thân. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Đối tượng có nguy cơ mắc uốn ván cao bao gồm: Người làm vườn, làm việc tại các trang trại chăn nuôi gia súc, người dọn vệ sinh cống rãnh, công nhân xây dựng,.. Do vậy, để phòng chống uốn ván cần mang bảo hộ lao động, hạn chế tiếp xúc với phân, bụi đất và các loại sắt rỉ sét,… Khi có vết thương ngoài da hoặc dẫm phải vật sắc nhọn, người dân cần vệ sinh sạch vết thương và đến các cơ sở y tế để được dự phòng uốn ván bằng huyết thanh phòng uốn ván.
2. Sinh bệnh học:
Độc tố uốn ván từ vết thương xâm nhập lên thần kinh trung ương bằng hai con đường: đường thần kinh hướng tâm và đường máu. Sau khi độc tố gắn vào các tế bào thần kinh ở các trung tâm vận động, tổ chức lưới, cầu não, hành não và tủy sống rồi chuyển qua các sinap tới tận cùng bản vận động của thần kinh - cơ, ngăn cản giải phóng ra các chất hóa học trung gian thuộc hệ GABA (Gama Amino Butyric Aicd) và glycin, là các hoạt chất có tác dụng ức chế các neuron thần kinh vận động alpha ở sừng tủy sống. Các neuron vận động alpha không được kiểm soát sẽ gây nên co cứng cơ và các cơn co giật cứng. Cũng như vậy, do mất đi sự ức chế mà các neuron giao cảm tiền hạch hoạt động tăng lên, điều này làm tăng nồng độ catecholamin trong máu dẫn đến các triệu chứng giao cảm và rối loạn thần kinh thực vật. Ngoài ra, độc tố uốn ván từ vết thương vào máu và lan rộng tới các mút tận cùng thần kinh. Người ta cho rằng thời gian di chuyển của độc tố trong nội bào là tương đương, do đó dây thần kinh ngắn sẽ bị ảnh hưởng trước và dây thần kinh dài sẽ bị ảnh hưởng sau. Điều này giải thích các triệu chứng xuất hiện co cứng cơ kế tiếp nhau, đầu tiên là cơ nhai sau đó đến các cơ đầu, mặt, cổ, cơ thân mình và chi.
Tetanus