Cần xem xét trách nhiệm của nơi cấp đăng ký xe
Vụ việc chiếc Honda Super Dream biển số tứ quý 38F8- 8888 được anh Lê Hữu Đức (Hà Tĩnh) chào bán giá 288 triệu đồng rồi ngay sau đó, một người khác (ông N.X.T) khẳng định mình mới là chủ sở hữu xe mang biển số này đang gây xôn xao trong giới chơi xe nói riêng cũng như dư luận nói chung.
Trong diễn biến mới đây nhất, Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin về vụ việc, công an tỉnh đã chỉ đạo đơn vị liên quan vào cuộc điều tra, làm rõ. Thời gian xác minh trong vòng 7 ngày.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trần Viết Hà, thành viên Cty Luật TNHH MTV Nam Sơn cho rằng, quy trình thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, sang tên đổi chủ trong trường hợp này là có vấn đề bất thường.
Cần phải xem lại trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, cụ thể là Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng như Đội CSGT- Trật tự của Công an TP Hà Tĩnh.
Luật sư Phạm Thị Thùy Dương, Giám đốc Công ty luật TNHH Tuệ Vinh cho biết, trong vụ việc này, để xác định cán bộ CSGT Hà Tĩnh làm nhiệm vụ đăng ký xe đã đảm bảo thực hiện đúng trình tự thủ tục thu hồi, đăng ký sang tên xe cho anh Lê Hữu Đức hay không thì cần xem xét kỹ các hồ sơ lưu trữ về việc thực hiện cấp đăng ký xe và cấp biển số xe này.
Theo luật sư Dương, trường hợp cấp sai này có thể do lỗi chủ quan của cán bộ CSGT như không kiểm tra đối chiếu kỹ hồ sơ tiếp nhận của chủ xe cũ và của người mua xe, không đối chiếu kỹ thông tin trên hệ thống đăng ký xe, không kiểm tra số khung-số máy..., thì có cơ sở nhận định cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe đã không đảm bảo thực hiện đúng quy định cấp đăng ký, biển số xe dẫn đến việc cấp đăng ký, biển số xe sai cho chiếc xe giả.
Ngoài ra, có thể do bên mua xe là anh Đức hoặc bên bán cố ý cung cấp giấy tờ giả để sang tên xe, do đó, cần làm rõ nghi vấn này. Nếu chủ nhân của chiếc xe trên thực sự là anh N.X.T trong khi anh T không hề bán xe thì hợp đồng mua bán xe được công chứng cũng có thể là giấy tờ giả.
Luật sư Dương cho rằng việc cấp đăng ký xe không chỉ đơn thuần là xem xét và đánh giá hồ sơ, mà còn phải kiểm tra thực tế xe (loại xe, màu sắc, số khung, số máy...) nên cho dù là hồ sơ xin sang tên đổi chủ là các giấy tờ giả, cũng khó có thể cấp đăng ký xe sai nếu cảnh sát giao thông thực hiện đúng trình tự, thủ tục công việc và kiểm tra thực tế xe theo quy định.
Nói cách khác, khi kiểm tra thực tế xe Honda Dream anh Đức mua, sẽ phát hiện dấu hiệu xe bị đục sửa số khung, số máy.
Trong câu chuyện này, nhiều người cũng không khỏi thắc mắc, cá nhân anh Lê Hữu Đức có vi phạm pháp luật không? Theo lời kể, anh Đức mua xe trên mạng chỉ có giấy tờ mua bán chứ không có giấy đăng ký xe chính chủ cũ và thủ tục sang tên được phía bán lo.
Luật sư Dương cho biết, trường hợp anh Đức không hề biết về việc làm giả giấy tờ để sang tên xe, bên bán xe là người thực hiện việc này thì anh Đức không vi phạm pháp luật nhưng có trách nhiệm phải thông báo cho cơ quan chức năng và cung cấp đầy đủ thông tin về người bán xe, nơi mua xe và giấy tờ liên quan để giúp cơ quan chức năng xác minh và giải quyết vụ việc.
Còn nếu anh Đức biết về việc làm giả giấy tờ và cố tình thực hiện thủ tục sang tên nhằm bán lại xe để kiếm lời thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, theo các luật sư, cũng cần xem xét rõ trách nhiệm của đơn vị công chứng cho hợp đồng mua bán xe trong vụ việc này.
Cẩn trọng với chiêu trò phù phép "xác chồng xác" xe cũ
Vụ việc tranh chấp biển số xe 38F8- 8888 có thể coi là lời cảnh tỉnh cho người dân khi đi mua xe cũ. Theo phản ánh của giới chuyên buôn xe máy biển số đẹp, tình trạng phù phép "xác chồng xác" xe cũ hiện nay khá phổ biến.
"Nếu kẻ gian nhặt được giấy đăng ký của chủ xe làm mất, các đối tượng có thể đục số khung số máy trên xác xe cũ nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc để làm đăng ký mới. Trong trường hợp cơ quan công an chủ quan, không kiểm tra kỹ sẽ khó nhận ra", anh V.P, một người chuyên kinh doanh xe máy biển số đẹp ở Hà Nội cho biết.
Anh N.V.T, người chuyên sưu tầm xe máy biển tứ quý ở Thái Nguyên kể, gần đây anh cũng phát hiện hai chiếc xe Dream biển tứ quý nhưng mỗi xe có đến 2 chủ sở hữu.
"Dĩ nhiên trong đó, sẽ có người là chủ thật, và người còn lại là giả. Tình trạng xe 'mẹ bồng con' không còn hiếm. Chính vì thế, trong quá trình săn xe biển đẹp, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra nguồn gốc xe. Phải kiểm tra kỹ, xác định được xe đăng ký hợp pháp tôi mới mua", anh T nói.
Đưa ra lời khuyên cho người dân khi đi mua xe cũ, luật sư Trần Viết Hà cho rằng, người dân không nên lo lắng bởi đã là đăng ký giả thì sẽ không có hồ sơ gốc và cũng không thể thực hiện được thủ tục mua bán, ký tại văn phòng công chứng, và thủ tục đổi chủ tại cơ quan công an.
Vụ việc chiếc xe Honda Dream biển tứ quý 8888 này là sự việc hy hữu nằm ở quá trình cấp giấy đăng ký xe có vấn đề bởi cả hai giấy chứng nhận đăng ký xe đều do cơ quan công an cấp. Còn với người dân, khi mất giấy chứng nhận đăng ký xe, cần trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất.
"Theo tôi bài học được rút ra là khi mua bán xe, người mua cần phải trực tiếp kiểm tra kỹ số khung, số máy trên xe. Thấy có dấu hiệu cạo sửa thì nên từ chối giao dịch. Nếu không có kinh nghiệm, người mua nên nhờ những người thợ chuyên trong việc mua bán xe để kiểm tra vấn đề này. Còn với giấy đăng ký xe, các văn phòng công chứng sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra cho nên khi mua bán xe chỉ cần ký tại văn phòng công chứng là người dân đã được bảo đảm về mặt giấy tờ", luật sư Hà nói.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!