Viêm gan B (HBV - Hepatitis B virus) là bệnh do virus viêm gan siêu vi B gây ra, lây truyền theo các con đường chủ yếu như đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. Virus viêm gan B tấn công trực tiếp tới gan, gây nhiễm trùng gan cấp tính và mạn tính. Về lâu dài, bệnh có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan và các bệnh lý gan nguy hiểm khác.
Tuy nhiên, viêm gan B nếu được phát hiện sớm, điều trị tích cực thì hoàn toàn có thể khống chế được. Chính vì thế việc phát hiện sớm và ngăn ngừa viêm gan B là rất quan trọng.
Hiện nay, đã có nhiều xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị viêm gan B một cách hiệu quả như xét nghiệm HbsAg, HBeAg, Anti Hbe, HBV-DNA,… mà gần đây nhất là xét nghiệm HbcrAg (kháng nguyên lõi virus viêm gan B) được cho là một tiến bộ mới, mở ra hướng điều trị tích cực và đem lại hy vọng cho người viêm gan B.
Khi theo dõi điều trị viêm gan B, các bác sĩ luôn quan tâm đến nồng độ cccDNA trong tế bào gan (cccDNA của HBV đóng vai trò then chốt trong sự sao chép và sự tồn tại kéo dài của virus viêm gan B). Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra sự có mặt của HBcrAg trong huyết thanh có mối tương quan với nồng độ cccDNA.
TS.BS Đào Việt Hằng - Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật cho biết, xét nghiệm HBcrAg là một trong những chỉ số giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá hiệu quả trong việc điều trị viêm gan B hiện nay.
Dựa trên chỉ số này, khi xét nghiệm HbcrAg cho kết quả âm tính, bác sĩ hoàn toàn có cơ sở xem xét và quyết định cho bệnh nhân ngừng thuốc điều trị virus trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, trong thời gian ngừng thuốc bệnh nhân vẫn cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Ngoài ra, xét nghiệm HBcgAg giúp phân biệt rõ các giai đoạn của viêm gan B mạn tính, từ đó giúp các bác sĩ đánh giá được tình trạng của bệnh nhân để có hướng can thiệp kịp thời; HBcrAg còn giúp tiên lượng khả năng chuyển đảo huyết thanh và thể hiện sự ưu việt hơn khi theo dõi bằng HBeAg và Anti - HBe; HBcrAg giúp các bác sĩ đánh giá nguy cơ ung thư gan trong nhiều trường hợp khác nhau cũng như tiên lượng chính xác nguy cơ bùng phát viêm gan B.
"Người bị viêm gan cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân cần thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, tránh các thực phẩm dầu mỡ, mặn, cay, nóng; không sử dụng rượu bia và tuân thủ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp", chuyên gia khuyến cáo.