Để tạo điểm nhấn riêng và đẩy mạnh ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn, nhất là triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch.
Phấn đấu đón 42 triệu lượt khách
Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định một trong những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này là phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khuyến khích những loại hình văn hóa, giải trí về đêm… nhằm thu hút, giữ chân du khách.
Miếu bà Chúa Xứ núi Sam, thành phố Châu Đốc mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách
Từ năm 2016 đến 2020, tổng lượt khách đến đến An Giang ước đạt 38 triệu lượt, trong đó, lượt khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ gần 4,1 triệu lượt, khách quốc tế ước đạt 380 ngàn lượt; ước tính tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 21.200 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, ngành du lịch đã thu hút đầu tư 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.328 tỷ đồng với một số dự án tập trung vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng như Công viên trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch văn hóa tâm linh - cáp treo Bà Chúa Xứ, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, Khu vui chơi giải trí Hải Đến…
Từ năm 2021-2025, ngành du lịch tỉnh phấn đấu đón 42 triệu lượt khách với doanh thu 27.800 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên An Giang xác định các khâu đột phá trong du lịch là đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược theo chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh; rà soát, lập quy hoạch các khu, điểm của vùng Bảy Núi có khả năng phát triển thu hút du khách, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch những khu, điểm du lịch trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch của tỉnh; thu hút đầu tư các dịch vụ du lịch nhà hàng, khách sạn; nâng cấp, bảo tồn các công trình văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại trong phát triển du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tập trung khai thác các sản phẩm du lịch tỉnh có tiềm năng phát triển…
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm phát triển các dịch vụ nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh con người và cảnh quan, thiên nhiên của An Giang; tuyên truyền, vận động các nhà hàng, khách sạn, khu, điểm đến… đầu tư, nâng cấp xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ du khách. Song song với đầu tư cơ sở vật chất để thu hút du khách, ngành du lịch tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, như mở các lớp đào tạo và đào tạo lại về nghiệp vụ kinh doanh cho lao động và cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ của các doanh nghiệp… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch.
Xây dựng hình ảnh ngành du lịch An Giang
Với nền tảng tài nguyên du lịch phong phú và sự đa dạng về văn hóa, An Giang có thế mạnh về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng Vùng đất nào của An Giang cũng mang dấu ấn du lịch riêng biệt, thành phố Long Xuyên có cù lao ông Hổ xã Mỹ Hòa Hưng với sống nước hiền hòa và Khu di tích Bác Tôn thu hút nhiều du khách tham quan; vùng Bảy Núi gồm hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên có núi rừng hùng vĩ gồm Khu du lịch núi Cấm có chương trình xiếc, ảo thuật phục vụ thiếu nhi, chương trình buffet trưa “đại tiệc đặc sản Thiên Cấm Sơn” với 25 món ăn hấp dẫn là đặc sản vùng núi; các sản phẩm trà dược liệu núi Cấm; rừng tràm Trà Sư có chương trình Buffet các loại bánh truyền thống, cây trái đặc sản vùng, có Lễ hội Đua bò Bảy Núi vang danh khắp nơi; vùng Châu Đốc có Khu du lịch quốc gia núi Sam với Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, quần thể lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, Tây An tự, có làng Chăm Châu Giang; huyện An Phú có búng bình thiên cùng làng Chăm; thị xã Tân Châu có làng lụa trứ danh; huyện Thoại Sơn có khu Óc Eo ẩn tàng bao kỳ bí của vương triều xưa…
Khu du lịch núi Cấm huyện Tịnh Biên là điểm đến hấp dẫn ở An Giang
Trong chương trình hành động và phát triển hạ tầng du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, để phát triển được ngành du lịch tỉnh thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch An Giang cần quan tâm đầu tư và đổi mới hơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website du lịch An Giang, tuyên truyền quảng bá rộng rãi về các tiềm năng, điều kiện tự nhiên, sự khác biệt vùng miền, những địa danh, thắng cảnh, văn hóa ẩm thực miền sông nước nhằm thu hút du khách. Trong nước, tăng cường xúc tiến quảng bá bá du lịch đến các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Ngoài nước tập trung liên kết phát triển tour xuyên biên giới An Giang-Campuchia-Thái Lan-Lào các nước châu Á (tập trung Nhật và Hàn Quốc) và thế giới. Thiết lập hệ thống văn phòng đại diện du lịch tỉnh tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các quốc gia giáp biên như Campuchia.
Xây dựng hình ảnh du lịch và định vị du lịch tỉnh là điểm đến “An toàn-thân thiện-hấp dẫn” tích cực quảng bá bộ nhận dạng thương hiệu du lịch tỉnh như logo, slogan…đến với du khách trong nước và quốc tế tại các sự kiện, ngày hội lớn trong và ngoài nước; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình liên kết du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh mà An Giang đã liên kết phát triển du lịch.
Xây dựng môi trường du lịch đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện cho du khách, thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, hỗ trợ cộng đồng, xây dựng đường dây nóng để hỗ trợ du khách. Phát động phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch” tại các khu điểm du lịch trong tỉnh. Có thái độ ứng xử văn minh với khách du lịch, tuyên truyền tuyên truyền vận động nhân dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường du lịch xanh-sạch-đẹp, an ninh trật tự nơi công cộng, các điểm khu di tích khu du lịch.
Trong lộ trình đến năm 2030, An Giang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch năng động, sáng tạo với các loại hình độc đáo, khác biệt với các sản phẩm du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái bậc nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, định hướng chuyển đổi và các mục tiêu ưu tiên phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp phát triển nông nghiệp, làng nghề nông thôn theo hướng bền vững.
Tỉnh phân bố trí không gian phát triển phát triển từng loại hình du lịch đặc thù theo định hướng không gian tiểu vùng, trên quan điểm là lấy một vài loại hình du lịch làm mũi nhọn, đồng thời kết hợp đa dạng các loại hình du lịch khác để bổ trợ và tăng tính trải nghiệm cho du khách…/.
Phương Nam