Trong thiên nhiên đã có sẵn những loại mai quý. Con người còn tạo thêm nhiều loại nữa.
Sự tích về hoa mai vàng được kể lại: Ngày xưa, có một cô bé 14 tuổi theo cha diệt trừ yêu quái cứu dân làng. Trước khi ra đi, cô được mẹ may áo mới, lấy nghệ nhuộm thành màu vàng. Khi chiến đấu với con yêu dữ, cô bé hy sinh.
Ngày 23 Tết, Táo quân lên Trời cầu xin cho cô bé sống lại, nhưng Trời chỉ cho mỗi năm sống lại 9 ngày. Từ đó cứ đến 29 tháng Chạp, cô bé mặc áo vàng trở về với gia đình. Đến Mùng 7, cô lại ra đi. Đến khi gia đình không còn ai, cô bé hoá thân thành cây mai mọc bên cạnh đền thờ do dân làng lập nên để tưởng nhớ cô.
Hàng năm, khoảng từ 13 đến 15 tháng Chạp, dân làng vặt lá xanh (thay áo) và đến 29-30 tháng Chạp, mai nở vàng rực rỡ. Mùng 7 tất niên là mai tàn. Người đời bảo nhau đó là ngày cô bé áo vàng về Trời.
Sinh thời, Chu Thần Cao Bá Quát có câu thơ viết về hoa mai rất hay:
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”
Tạm dịch là:
“Mười năm giao du tìm gươm cổ
Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai”
Bài thơ không những bày tỏ khẩu khí của Chu Thần mà còn hàm chứa cả khí phách của bậc quân tử có Nghĩa và Dũng trong một loài hoa mai. Bởi mai có sức chịu đựng giá sương, lạnh lẽo của tiết Đông hàn để mùa Xuân ra hoa rực rỡ.
Cụ Đồ Chiểu xưa lui về ẩn cư dạy học ở Ba Tri (Bến Tre), hai mắt không còn nhìn thấy hoa mai nở, nhưng hình ảnh hoa mai vàng vẫn từ trong tâm thức nhà thơ hiện ra theo những vần lục bát trong “Lục Vân Tiên”:
Hữu tình thay ngọn gió Đông
Cành mai nở nhuỵ, lá tòng reo vang
Người Trung Quốc cho rằng hoa mai có 250 loại cả thảy. Căn cứ vào 4 sắc màu của cánh hoa mà chia thành: Hoàng mai, bạch mai, hồng mai và thanh mai.
Hà Nội có loài mai trắng và ở làng Đông Mỹ, Thanh Trì - Hà Nội có loại mai rất đặc biệt: Hoa, quả luôn mọc từng đôi nên còn gọi là “song mai”. Loại mai tứ quý 5 cánh thì có mặt khắp từ dải đất miền Trung đến tận xứ biển Hà Tiên, Cà Mau và đảo Phú Quốc, Thổ Chu.
Ở Nha Trang có loài Hoàng Mai là một giống mai vàng nổi tiếng xưa nay hiếm. Hoa có cánh tròn, nhụy đỏ, toả hương thơm ngát, thân gỗ nhỏ mọc thành bụi. Mỗi bông có khoảng 12 cánh trở lên, thời gian nở trên cây khá lâu.
Gần đây tại các nhà vườn Nam Bộ, những nghệ nhân đã lai, ghép để cho mai ra nhiều cánh đẹp, màu sắc rỡ ràng hơn. Nhiều loại mai nổi tiếng như: Mai Sa Đéc (Đồng Tháp) có 9 cánh, mai Mỹ Tho có 24 cánh, mai Gò Đen (Long An) có 48 cánh…
Ở xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày (Bến Tre), lão nông Nguyễn Văn Yết gần 90 tuổi đã lai ghép thành công giống mai vàng mỗi bông có từ 90 đến 130 cánh.
Những chùm bông to tròn nở bung ra vàng ươm, như một bông cúc đại đoá. Tuy không nhiều búp như những loại mai khác nhưng mai trăm cánh rất ít rụng, lại to căng tròn hệt như ước mơ về sự may mắn, phú quý nên càng nhìn, càng thấy hấp dẫn.