BS. Đoàn Ngọc Thu - Khoa Khám Sản Phụ Khoa
Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu (Cần Thơ)
Ung thư vú là tình trạng khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính là tập hợp các tế bào ung thư có thể sinh sôi rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra (di căn) các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư vú hầu hết xuất hiện ở nữ giới.
Nghe đến ung thư vú, không chỉ phụ nữ mà ai ai cũng đều cảm thấy lo lắng vì đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%, giảm biến chứng. Nếu phát hiện chậm trễ lựa chọn điều trị ít, khả năng sống sót thấp hơn, chi phí chăm sóc cao hơn, dễ dẫn tới tàn tật và biến chứng. Cho đến nay, phương pháp sàng lọc ung thư vú có hiệu quả nhất là chụp nhủ ảnh, chi phí thấp nhưng có thể phát hiện ra khối u vú từ rất nhỏ, đây là phương pháp sàng lọc chuẩn để phát hiện ung thư vú và được khuyến cáo cho các chị em phụ nữ. Để bảo vệ sức khỏe của mình, các bạn có thể kiểm tra vú tại nhà và tầm soát ung thư vú từ ngay hôm nay đặc biệt là chị em phụ nữ trên 40 tuổi.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư vú
Triệu chứng, dấu hiệu của ung thư vú rất đa dạng, thường không có biểu hiện đau nên phải dựa theo những dấu hiệu bất thường điển hình khác để phát hiện.
- Có khối u: 80-90% bệnh nhân ung thư vú có khối u và có thể sờ nắn được bằng tay khi kích thước từ 1cm trở lên.
- Đau vú: Phụ nữ thường bị đau tức ngực, tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong những ngày hành kinh được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau trong cả những ngày bình thường, cơn đau dai dẳng, kéo dài, nghỉ ngơi cũng không đỡ thì bạn nên đi thăm khám và kiểm tra tuyến vú của mình ở các bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa uy tín. Vì khi có khối u ác tính ở vú, khối u phát triển sẽ chèn vào các mô khiến ngực sưng, đau, tấy đỏ.
- Tiết dịch núm vú: Khoảng 5% bệnh nhân ung thư vú có tiết dịch núm vú, nhất là khi có lẫn máu hoặc dịch hồng.
- Núm vú bị thụt vào trong: Núm vú bị tụt sâu, cứng, dùng tay kéo cũng không được.
- Nhăn bề mặt vú: Đây là triệu chứng gặp ở một số ít bệnh nhân. Khi ngực xuất hiện khối u sẽ phá vỡ cấu trúc da và tạo nên những nếp nhăn ở bên ngoài bề mặt vú.
- Viêm da vùng quanh vú: Da đỏ, phù dưới dạng da cam. Ngoài ra có thể bong da vảy nến, da sần sùi kèm nổi mẩn ngứa ở ngực.
- Hạch ở nách: Nếu có một khối u hoặc vết sưng đau dưới cánh tay kéo dài trong một tuần không rõ nguyên nhân, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.
Nên làm gì để sớm phát hiện ung thư vú?
1/ Thực hiện 6 bước khám vú tại nhà
- Bước 1: Cởi áo ra, ngồi thẳng lưng hoặc đứng trước gương ở tư thế dang xuôi 2 tay và quan sát tuyến vú 2 bên, tìm xem có những dấu hiệu bất thường: thay đổi kích thước, hình dạng và sự đối xứng của 2 vú, da vú dúm dó, lõm xuống.
- Bước 2: Hai tay đưa lên đầu nhìn kỹ vú từ các hướng khác nhau, tìm các dấu hiệu bất thường của ngực như Bước 1.
- Bước 3: Đưa tay phải ra sau đầu, dùng tay trái khám vú phải, chụm các ngón tay lại, dùng phần phẳng của các ngón tay tìm kiếm khối u hoặc mảng dày bất thường nào khác, nhìn kỹ vú từ các hướng khác nhau , tìm các dấu hiệu bất thường của ngực vú. Làm tương tự ở vú trái.
- Bước 4: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ nắn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không, khám tương tự đối với ngực bên phải.
- Bước 5: Nằm ngửa trên giường, đặt khăn gấp hay gối mỏng sau vai trái. Đưa tay trái ra sau gáy, dùng tay phải khám ngực trái, dùng 3 ngón tay xòe thẳng, vừa ấn nhẹ lên bầu vú, vừa day tròn tìm kiếm khối u hoặc mảng dày bất thường bắt đầu từ trong quầng vú di chuyển lần ra ngoài theo đường xoắn ốc.
- Bước 6: Sau cùng di chuyển dần dần lên vùng nách tới hõm nách xem có u hạch ở hõm nách hay không.
2/ Tầm soát ung thư vú
Đây là phương pháp giúp phát hiện ung thư vú ngay khi chưa có triệu chứng, được thực hiện thông qua các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Tầm soát giúp người bệnh phát hiện sớm ung thư, có kế hoạch chăm sóc, theo dõi sức khoẻ, xây dựng định hướng điều trị, tăng cơ hội chiến thắng ung thư cho người bệnh. Bên cạnh đó, việc điều trị ở giai đoạn sớm có chi phí thấp hơn rất nhiều so với điều trị ở giai đoạn muộn.
Những người có nguy cơ mắc bệnh cao nên thực hiện tầm soát ung thư vú bao gồm:
- Phụ nữ trên 40 tuổi.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh, mãn kinh.
- Tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư vú, ung thư phụ khoa.
- Phụ nữ đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú như: đau ở vú, có cục u ở vú, chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt…
Hãy thực hiện các bước kiểm tra vú tại nhà và tầm soát từ hôm nay để sớm phát hiện ung thư vú nhé. Không ai hiểu cơ thể bạn bằng chính bạn.