Trong miệng có các mảng trắng là dấu hiệu của tưa lưỡi ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xảy ra do hàm lượng nấm men tăng quá mức chủ yếu tại vùng miệng và hầu họng.
1. Trẻ bị mảng trắng trong miệng là bệnh gì?
Mảng trắng trong miệng là dấu hiệu của tưa lưỡi. Tưa lưỡi gây ra các mảng trắng kem hoặc vàng phát triển hai bên mép, mái, lợi, môi và lưỡi của trẻ. Nó cũng có thể lan đến cổ họng, amidan hoặc thực quản. Tưa lưỡi phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ trong độ tuổi tập đi.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh?
Tưa lưỡi xảy đến khi cơ thể mất cân bằng nấm men. Thuốc kháng sinh là một trong số các nguyên nhân gây tưa lưỡi ở trẻ nhỏ vì song song với tiêu diệt mầm bệnh, nó cũng tiêu diệt một lượng lớn các vi khuẩn “tốt” (có tác dụng kiểm soát nấm men trong cơ thể).
Một số bà mẹ và trẻ sơ sinh lây nhiễm bệnh qua lại. Trẻ có khả năng lây bệnh tưa lưỡi cho mẹ trong quá trình cho bú và ngược lại. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mẹ con không lây bệnh cho nhau khi một trong hai bị bệnh.
Tưa lưỡi cũng có thể xảy ra khi trẻ ngậm bình sữa hoặc núm vú giả trong thời gian dài, mất vệ sinh. Tuy nhiên, trẻ bú mẹ hoàn toàn và không sử dụng núm vú giả vẫn có thể bị tưa miệng, vì vậy rất khó để xác định nguyên nhân. Một số trẻ sơ sinh và các bà mẹ đơn giản là dễ bị nhiễm trùng nấm men hơn những trẻ và mẹ khác.
3. Các triệu chứng của tưa lưỡi là gì?
Nếu bạn nhận thấy một lớp phủ màu trắng trên lưỡi, có thể đó chỉ là cặn sữa. Kiểm tra nó bằng cách lau sạch lưỡi trẻ. Nếu không phải cặn sữa, hãy đi khám nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Các mảng trắng hoặc vàng trên môi, lưỡi, vòm miệng hoặc bên trong má, lợi hoặc cổ họng của trẻ. Các mảng tưa lưỡi trông giống như miếng pho mát nhỏ, không dễ dàng rửa sạch.
- Trẻ khóc khi được cho bú hoặc ngậm núm vú giả, bình sữa. Đó là do các mảng trắng hoặc vàng có thể gây đau đớn và khiến việc bú không thoải mái nếu nhiễm trùng nặng. Lưu ý: Một số trẻ bị tưa lưỡi không cảm thấy đau hay khó chịu trong quá trình bú mẹ.
Một số trẻ bị tưa lưỡi cũng phát triển chứng phát ban do nấm men. Phát ban nổi lên, lan rộng, hoặc đỏ tươi hoặc sẫm màu với đường viền rõ ràng. Các nốt đỏ nhỏ có thể mềm hoặc đau, thường xuất hiện xung quanh vùng phát ban. Phát ban có thể len lỏi vào các nếp gấp của da xung quanh bộ phận sinh dục và chân, hiếm khi xuất hiện ở mông của trẻ.
4. Điều trị tưa lưỡi bằng cách nào?
Nếu trẻ được chẩn đoán tưa lưỡi, loại thuốc thường được kê đơn là thuốc kháng nấm dạng uống (thường là nystatin) và thuốc giảm đau acetaminophen. Tình trạng nhiễm trùng thường mất sau khoảng hai tuần điều trị.
Đối với các trường hợp trẻ bị hăm tã, thuốc mỡ nystatin có thể được sử dụng để bôi vùng da quấn tã.
Nếu bạn đang cho trẻ bị tưa lưỡi bú, bôi nystatin hoặc clotrimazole vào núm vú có thể có tác dụng giảm lây nhiễm qua lại giữa mẹ và con.
Bạn nên tái khám với bác sĩ nếu tình trạng nhiễm trùng chưa khỏi sau điều trị. Tưa lưỡi bị tái phát là khá phổ biến ở trẻ em.
5. Ngăn ngừa tưa lưỡi ở trẻ nhỏ bằng cách nào?
Một số biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ bị tưa lưỡi ở trẻ nhỏ. Nó cũng có tác dụng với cả mẹ và bé đang được điều trị tưa lưỡi.
- Đừng cho bé uống thuốc kháng sinh trừ khi thực sự cần thiết vì thuốc kháng sinh không giúp chống lại nhiễm vi-rút. Trên thực tế, bệnh tưa lưỡi thường khởi phát khi dùng thuốc kháng sinh.
- Làm sạch và tiệt trùng núm vú giả sau mỗi lần sử dụng, đồng thời khử trùng bất kỳ đồ chơi nào đưa vào miệng bé.
- Để núm vú khô thoáng giữa các lần cho bú.
- Nếu bạn cho con bú bình, hãy vệ sinh kỹ lưỡng tất cả các thiết bị, kể cả núm vú sau mỗi lần sử dụng bằng cách rửa bằng nước nóng, xà phòng hoặc rửa qua máy rửa bát.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi cho trẻ bú và thay tã.
- Thay tã cho trẻ thường xuyên để ngăn chặn nấm men gây hăm tã.
6. Tưa lưỡi có nguy hiểm không?
Tưa lưỡi không nguy hiểm với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nó khiến trẻ quấy khóc và đau đớn khi bú, cản trở hiệu suất cho con bú.
Gia đình cần thực hiện các hành động tạo cảm giác thoải mái cần thiết cho trẻ và tuân thủ theo hướng dẫn thuốc điều trị của bác sĩ.
7. Cách điều trị tưa lưỡi tại nhà? Có thể sử dụng thuốc tím gentian để điều trị tưa miệng cho trẻ không?
Thuốc tím gentian chỉ nên sử dụng dưới hướng dẫn của bác sĩ. Đây là loại thuốc có tác dụng trị nấm hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc quá lâu hoặc với nồng độ quá cao, nó có thể gây ra vết loét trong miệng của trẻ.
Thuốc tím gentian có thể tự chuẩn bị bằng cách:
- Mua dung dịch thuốc tím gentian 1%. Bạn có thể tìm mua ở nhiều hiệu thuốc hoặc đặt mua ở nhà thuốc.
- Để ngăn ngừa các tác dụng phụ như lở miệng, hãy pha loãng dung dịch này để tạo ra thuốc tím có nồng độ từ 0,25% trở xuống bằng cách trộn một phần dung dịch thuốc tím gentian với hai phần nước.
- Trước khi thoa thuốc tím gentian, hãy cởi quần áo của bé từ thắt lưng trở lên để không làm bẩn quần áo của trẻ. Sau đó, đặt một chiếc khăn xuống để bảo vệ bề mặt bên dưới của trẻ.
Sử dụng thuốc tím gentian theo các bước sau:
- Đầu tiên, thao một lớp mỏng mỡ khoáng lên môi và má của bé để tránh bị lem.
- Dùng tăm bông để bôi dung dịch đã pha loãng vào bên trong miệng bé. Nhờ ai đó giúp bạn ôm đầu và tay của trẻ trong khi bạn ngoáy bên trong môi, má và lưỡi của trẻ.
- Bôi thuốc một lần một ngày trong không quá bảy ngày.
- Thuốc nhuộm là an toàn và không gây hại núm vú khi vương vào trong quá trình cho con bú.
Mặc dù tưa lưỡi không quá nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp trị dứt điểm có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn. Cha mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ để quá trình điều trị tưa lưỡi cho trẻ đạt hiệu quả tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com