Tổng quan
Máy đo điện tim Holter là một thiết bị nhỏ gọn, dễ dàng mang bên mình để theo dõi nhịp tim. Bác sĩ có thể đề nghị bạn mang máy Holter trong một hoặc hai ngày. Trong khoảng thời gian này, thiết bị sẽ ghi nhận tất cả nhịp tim của bạn.
Việc đo điện tim bằng máy Holter thường được thực hiện sau khi tiến hành kiểm tra nhịp tim truyền thống (Đo điện tim đồ), đặc biệt là khi kết quả đo điện tim đồ này không cung cấp cho bác sĩ đủ thông tin về tình trạng tim của bạn.
Bác sĩ sẽ sử dụng thông tin mà máy Holter ghi lại để xác định xem bạn có vấn đề gì về nhịp tim hay không.
Trong thời gian mang máy Holter, bạn có thể cảm thấy hơi bất tiện, nhưng đây là phương pháp kiểm tra quan trọng để giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh của bạn.
Tại sao phải thực hiện phương pháp này
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim như nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim) hoặc ngất xỉu không rõ lý do thì bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra đo điện tim đồ. Đo điện tim đồ là một phương pháp kiểm tra nhanh và không xâm lấn bằng cách dán các điện cực lên ngực của bạn để kiểm tra nhịp tim.
Tuy nhiên, phương pháp đo điện tim đồ đôi khi không phát hiện được các bất thường trong nhịp tim của bạn vì thời gian kết nối với máy ngắn. Bác sĩ sẽ đề nghị bạn mang máy Holter trong một ngày hoặc lâu hơn để kiểm tra nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn cho thấy tình trạng nhịp tim bất thường thỉnh thoảng xảy ra có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Trong thời gian mang máy Holter, máy có thể phát hiện các bất thường trong nhịp tim của bạn mà phương pháp đo điện tim đồ không thể phát hiện được.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn sử dụng máy Holter nếu bệnh tim của bạn làm tăng nguy cơ gây ra nhịp tim bất thường. Bác sĩ có thể đề nghị bạn mang máy Holter trong một hoặc hai ngày, ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nào về nhịp tim bất thường.
Nguy cơ
Không có nguy cơ đáng kể nào liên quan đến việc mang máy Holter ngoài cảm giác khó chịu hoặc kích ứng da tại vị trí dán điện cực.
Tuy nhiên, không được làm ướt máy Holter nếu không máy sẽ bị hỏng. Không được bơi hoặc tắm trong suốt thời gian bạn đang mang máy Holter.
Máy Holter thường không bị ảnh hưởng bởi các thiết bị điện tử khác nhưng nên tránh xa các máy dò kim loại, nam châm, lò vi sóng, chăn mền điện, máy cạo râu và bàn chải đánh răng điện trong khi mang máy Holter vì các thiết bị này có thể làm gián đoạn tín hiệu phát ra từ các điện cực đến máy Holter. Tương tự, bạn cũng nên giữ điện thoại di động và máy nghe nhạc cầm tay cách xa máy Holter ít nhất là 15cm.
Bạn chuẩn bị như thế nào
Nếu bác sĩ đề nghị bạn đo nhịp tim bằng máy Holter, bạn sẽ được đặt lịch hẹn để gắn thiết bị. Trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ, nếu không hãy tắm trước khi bạn đến theo lịch hẹn. Hầu hết các máy theo dõi không thể tháo rời và phải được giữ khô ráo khi nó đã bắt đầu hoạt động.
Điều dưỡng sẽ dán các điện cực có đường kính 4cm lên ngực của bạn để cảm nhận nhịp tim. Đối với nam giới, có thể cần phải cạo một ít lông để dán dính các điện cực.
Sau đó điều dưỡng sẽ nối điện cực với thiết bị ghi điện tim bằng các dây dẫn và sẽ hướng dẫn bạn cách mang thiết bị ghi nhịp tim đúng cách để ghi nhận dữ liệu dẫn truyền từ các điện cực. Thiết bị ghi nhịp tim có kích thước bằng một lá bài.
Khi đã gắn máy theo dõi và được hướng dẫn cách đeo máy, bạn rời phòng khám bệnh và trở lại các hoạt động thường ngày.
Bạn có thể mong đợi gì
Trong thời gian sử dụng máy
Việc đo nhịp tim bằng máy Holter không gây đau và không xâm lấn. Các điện cực và dây dẫn được giấu bên trong quần áo và bạn có thể mang thiết bị ghi nhịp tim trên dây nịt hoặc gắn vào dây đeo. Khi đã bắt đầu theo dõi, không được tháo rời máy Holter - bạn phải mang máy mọi lúc, ngay cả khi bạn ngủ.
Trong khi mang máy Holter, bạn có thể thực hiện các hoạt động thường ngày. Bác sĩ sẽ thông báo cho bạn biết thời gian cần mang máy theo dõi. Thời gian mang máy có thể thay đổi từ 24 đến 48 giờ, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ nghi ngờ hoặc tần suất mà bạn có triệu chứng của bệnh tim.
Bạn sẽ được hướng dẫn để giữ một cuốn nhật ký về tất cả các hoạt động mà bạn thực hiện trong quá trình mang máy. Điều đặc biệt quan trọng là bạn phải ghi nhận vào cuốn nhật ký này bất kỳ triệu chứng nào như đánh trống ngực, bỏ nhịp tim, khó thở, đau ngực hoặc chóng mặt. Bạn sẽ được cung cấp phiếu ghi nhận để điền vào các hoạt động của mình và các triệu chứng xảy ra.
Bác sĩ sẽ so sánh dữ liệu từ máy Holter với nhật ký của bạn, để từ đó có thể chẩn đoán tình trạng của bạn.
Sau khi sử dụng máy
Khi thời gian cần theo dõi đã kết thúc, bạn sẽ trả thiết bị cho bác sĩ, cùng với nhật ký mà bạn đã giữ trong thời gian mang máy Holter. Bác sĩ sẽ so sánh dữ liệu từ máy ghi nhịp tim với các hoạt động và triệu chứng mà bạn đã ghi nhận lại.
Kết quả
Sau khi bác sĩ đã kiểm tra các kết quả từ máy Holter và những ghi nhận trong nhật ký của bạn, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về các kết quả này. Thông tin từ máy Holter có thể cho thấy bạn bị bệnh tim, hoặc bác sĩ cần phải thực hiện thêm các kiểm tra khác để tìm ra nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng của bạn.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể không chẩn đoán được tình trạng của bạn dựa vào các kết quả kiểm tra của máy Holter, đặc biệt là khi bạn không có bất kỳ nhịp tim bất thường nào trong thời gian mang thiết bị.
Khi đó bác sĩ có khả năng đề nghị bạn thực hiện phương pháp theo dõi nhịp tim dài hạn bằng máy ghi điện tim cấy dưới da (là một thiết bị nhỏ được cấy dưới vùng da ngực) để ghi nhịp tim liên tục lên đến ba năm và ghi nhận thông tin mà máy đo điện tim đồ chuẩn hoặc máy Holter không ghi nhận được do các nhịp tim bất thường ít xuất hiện.