Sự kiện trong nước
- Ngày 19/3/1950: Đây là ngày diễn ra cuộc đụng độ đầu tiên giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ và cũng là lần đầu tiên đế quốc Mỹ bị thất bại nhục nhã ngay khi bắt đầu thực hiện âm mưu can thiệp trực tiếp nhằm kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh trên toàn Đông Dương. Theo đó, vào ngày này, Đế quốc Mỹ cho 2 tàu chiến cập bến Sài Gòn, chuẩn bị thao diễn lực lượng để uy hiếp tinh thần đồng bào ta. Cả Sài Gòn tức giận, hàng vạn đồng bào Sài Gòn xuống đường tuần hành thị uy hô vang các khẩu hiệu "Phản đối viện trợ Mỹ", "Đả đảo Bảo Đại", "Hồ Chí Minh muôn nǎm". Đồng bào giương cao cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu diễu qua các phố chính dẫn xuống bến tàu. Bị cảnh sát ngǎn lại, hàng vạn người dồn về toà thị chính xé cờ Mỹ, cờ Pháp, cờ bù nhìn và ảnh Bảo Đại. Cũng hôm đó quân ta nã súng cối vào các tàu đậu trên sông. Trước sức mạnh của quần chúng, 2 tàu chiến Mỹ đã lặng lẽ rút neo cút khỏi Sài Gòn. Chính từ sự kiện lịch sử oai hùng và đầy ý nghĩa này, ngày 19 tháng 3 trở thành "Ngày toàn quốc chống Mỹ" của nhân dân ta.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Ngày toàn quốc chống Mỹ (19/3/1950 - 19/3/1965), Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kêu gọi phụ nữ cả nước hãy ra sức thi đua với phụ nữ miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhân dịp này, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” (lúc đầu gọi là “Ba đảm nhiệm”), với các nội dung như sau: Đảm đang sản xuất và công tác, thay thế cho chồng, con, anh em đi chiến đấu; Đảm đang việc gia đình cho chồng, con, anh em yên tâm chiến đấu; khuyến khích chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội; Đảm đang phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu.
Phong trào “Ba đảm đang” là một phong trào cách mạng quần chúng sâu rộng, lôi cuốn phụ nữ cả nước tham gia để thực hiện khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến cuối tháng 5/1965 đã có trên 1,7 triệu phụ nữ ghi tên phấn đấu đạt danh hiệu “Phụ nữ Ba đảm đang”.
- Ngày 19/3/1955, Bác Hồ viết thư gửi các học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương nhân dịp trường khai giảng. Trong thư Bác căn dặn: “Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung: là gia đình Việt Nam; đều có một Tổ quốc chung: là Tổ quốc Việt Nam.
Trong hơn 80 năm, vì chúng ta bị thực dân Pháp và bọn vua chúa áp bức cho nên chúng ta lạc hậu, văn hoá kém cỏi, mà chúng nó áp bức được là vì chúng nó chia rẽ chúng ta, vì chúng ta chưa biết đoàn kết.
Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hoá của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà.
Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm, xem buổi trình diễn kỹ thuật, chiến thuật và dự lễ công bố chính thức thành lập Binh chủng Đặc công ngày 19/3/1967 - Ảnh tư liệu
- Ngày 19/3/1967, tại Trường Bổ túc cán bộ Dân tộc Trung ương (Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân đội đến xem Bộ đội Đặc công trình diễn kỹ thuật, chiến thuật và công bố thành lập Binh chủng Đặc công. Trong buổi lễ trọng thể đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “… Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt. Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được…”.
Khắc ghi lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; mưu trí, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu; đoàn kết, chủ động, sáng tạo trên các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Với những chiến công và thành tích xuất sắc lập được, Binh chủng Đặc công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
- Ngày 19/3/1975: Tỉnh Quảng Trị được giải phóng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của mùa xuân 1975. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc chớp thời cơ giải phóng miền Nam trong năm 1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Trị - Thiên tổ chức hội nghị, hạ quyết tâm giải phóng Quảng Trị. Đêm 18 rạng ngày 19/3/1975, các lực lượng vũ trang ta đồng loạt tiến công vào tuyến phòng thủ của địch. Quân giải phóng đồng loạt tập kích các cao điểm 122, 180, 90, áp chế trận địa pháo của địch ở Dốc Dầu, Tân Điền. Du kích các địa phương chuyển từ vây ép địch ở Tây Nam Hải Lăng sang tiến công truy kích diệt địch ở các điểm cao 235, 367, 222, động Ông Do. Nhân dân các huyện vùng giáp ranh, vùng đồng bằng nổi dậy chiếm trụ sở chính quyền địch ở cơ sở. 18 giờ 30 phút ngày 19/3/1975, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Quảng Trị giải phóng, căn cứ tiền đồn trong hệ thống phòng thủ cực Bắc bị phá vỡ, mở ra quá trình sụp đổ của chính quyền Sài Gòn ngay sau đó trên địa bàn duyên hải Trung bộ.
- Ngày 19/3/2009: Ngày thành lập Vùng 2 Hải quân. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 19/3/2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định thành lập Vùng 2 Hải quân để tăng cường lực lượng bảo vệ vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu, trọng điểm là bảo vệ vùng biển, thềm lục địa phía Nam.
Cầu Cảng Sydney (Úc). Ảnh: ITNSự kiện quốc tế
- Ngày 19/3/1932: Thông xe Cầu Cảng Sydney (Úc). Cầu cảng Sydney là một trong những biểu tượng nổi tiếng và đẹp nhất của thành phố Sydney, Úc.
Cầu được xây dựng qua cửa sông Parramatta, là điểm kết nối trung tâm thành phố với khu vực Bắc Sydney. Kể từ khi được hoàn thành xây dựng vào năm 1932, cầu cảng Sydney vẫn luôn được xem như một biểu tượng văn hóa và kỹ thuật của xứ sở chuột túi./.