Nhiều người bắt đầu nổi mụn ở tuổi dậy thì do nồng độ hormone cao làm tăng sản xuất dầu, dẫn đến nổi mụn. Ước tính có khoảng 80% người từ 11 - 30 tuổi có ít nhất một dạng mụn nội tiết nhẹ. Trán là một trong những vị trí phổ biến thường xuất hiện mụn nội tiết. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị mụn nội tiết ở trán là như thế nào?
Mụn nội tiết ở trán là gì?
Mụn nội tiết ở trán là tình trạng mụn trứng cá xuất hiện do lượng hormone thay đổi, căng thẳng, kích ứng từ các sản phẩm thoa lên da hoặc tóc. Ngoài ra, bệnh trứng cá đỏ cũng gây ra các triệu chứng tương tự như mụn trứng cá.
Nguyên nhân nổi mụn nội tiết ở trán
Lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn, tăng tiết bã nhờn, tế bào chết khiến vi khuẩn xâm nhập phát triển bên trong, tạo ra các vết sưng tấy ở trán. Có nhiều nguyên nhân nổi mụn ở trán bao gồm: (1)
- Thay đổi nội tiết tố. Đặc biệt, ở tuổi dậy thì có sự gia tăng nồng độ hormone làm tăng sản xuất dầu, dẫn đến nổi mụn ở trán nhiều hơn.
- Đang dùng một số loại thuốc như corticosteroids.
- Sản phẩm trang điểm, mỹ phẩm.
- Sản phẩm chăm sóc tóc chứa dầu.
- Tăng tiết mồ hôi.
- Yếu tố cơ địa…
Triệu chứng nhận biết mụn nội tiết ở trán
Mụn nội tiết ở trán thường trông giống như những vết sưng cứng màu đỏ (sẩn) hoặc các vết sưng có mủ ở trên (mụn mủ) xuất hiện một phần hoặc toàn bộ vùng trán.
Cách điều trị mụn nội tiết ở trán
Cách điều trị mụn ở trán nhờ việc chăm sóc da như:
- Rửa mặt 2 lần/ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ dầu thừa trên da.
- Dùng kem trị mụn chứa các thành phần như: benzoyl peroxide hoặc axit salicylic.
Một số thành phần tự nhiên giúp điều trị mụn nội tiết nhẹ, bao gồm: nha đam, axit azelaic, chiết xuất trà xanh, kẽm, tinh dầu trà.
Với mụn nội tiết nghiêm trọng hơn, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để cải thiện tình trạng này. Một số cách điều trị mụn nội tiết bác sĩ có thể kê toa như: dùng kháng sinh (dạng kem hoặc viên), sản phẩm chứa benzoyl peroxide, retinoid, thuốc tránh thai, chất đối kháng androgen. Ngoài ra, tùy vào tình trạng mụn bác sĩ có thể dùng phương pháp điều trị không dùng thuốc để loại bỏ mụn nội tiết như: laser, IPL, peel da, điện di, chăm sóc da mụn…
Những lưu ý khi trị mụn nội tiết ở trán
Sau đây là những lưu ý khi trị mụn ở trán để cải thiện da như: (2)
- Thường xuyên vệ sinh nón, giặt lớp trong mũ bảo hiểm.
- Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng.
- Sử dụng sữa rửa mặt để làm sạch da.
- Không nên chạm tay vào hoặc nặn mụn trên trán.
- Tẩy tế bào chết cho da mỗi tuần 1-2 lần.
- Rửa mặt ngay sau khi chơi thể thao hoặc bất kỳ hoạt động nào gây ra mồ hôi.
- Rửa tay thường xuyên trong ngày.
- Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời.
>>>Xem thêm: Hình ảnh mụn nội tiết dễ nhận biết và không nên chủ quan
Các loại thực phẩm giảm mụn nội tiết ở trán hiệu quả
Bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm giảm mụn ở trán hiệu quả như: (3)
- Chọn cá, các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh tốt cho tim, da: axit béo omega-3 tốt cho sức khỏe giúp chống viêm, chứa nhiều kẽm giảm độ nặng của trứng cá, giảm sản xuất bã nhờn từ các loại cá béo (cá hồi, cá mòi), hạt lanh, hạt óc chó, hạt chia, hạnh nhân…
- Bổ sung nhiều trái cây, rau giàu chất chống oxy hóa như: ớt, rau bina, trái mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi, nho…) giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, stress oxy hóa, cải thiện mụn nội tiết.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm, vitamin A, vitamin E giúp giảm viêm như: cà rốt, bí đỏ, đậu, rau bina, cải xoăn, hạt hướng dương, bông cải xanh, gạo lứt.
- Bổ sung thực phẩm có chứa men vi sinh (lợi khuẩn có lợi cho đường ruột), giúp giảm viêm, ngăn mụn nội tiết.
- Dùng thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt… hoặc các sản phẩm sữa từ các loại hạt như: sữa đậu nành, sữa hạnh nhân… để bổ sung canxi, vitamin D cho cơ thể.
Thực phẩm cần tránh để giảm mụn nội tiết ở trán
Có nhiều thực phẩm cần tránh để giảm mụn nội tiết ở trán người bệnh cần lưu ý trong chế độ ăn uống như:
- Không ăn quá nhiều đồ chiên xào, chứa nhiều dầu mỡ, chất béo như: sữa nguyên kem, thức ăn nhanh, đồ nướng.
- Hạn chế ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như: bánh mì trắng, phô mai… Lượng đường trong máu tăng đột biến sẽ gây ra các tác động làm tăng tình trạng viêm nhiễm, khiến da tiết nhiều dầu hơn làm bít lỗ chân lông gây mụn nội tiết.
- Tránh uống quá nhiều sữa, các chế phẩm từ sữa vì chúng thúc đẩy giải phóng insulin, các yếu tố tăng trưởng trong cơ thể, góp phần gây mụn.
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, điều trị các rối loạn nội tiết như: chu kỳ kinh nguyệt không đều, bướu cổ, bệnh tuyến giáp… Ngoài ra, khoa Nội Tiết - Đái tháo đường còn kết hợp chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da chuyên điều trị các tình trạng da do rối loạn nội tiết. Tùy vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Có nhiều nguyên nhân gây mụn nội tiết ở trán nên khi mụn xuất hiện, người bệnh nên đến chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường kết hợp với chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh tự nặn mụn gây nhiễm trùng, để lại sẹo thâm. Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên chăm sóc da, vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày để loại bỏ bụi bẩn gây tắc nghẽn lỗ chân lông hình thành mụn.