Ngày ông Táo về trời còn gọi là ngày ông Công ông Táo là nét văn hóa ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Mâm cơm cúng tiễn ông Táo ngày 23 tháng Chạp trở thành sự kiện mở màn cho Tết, để từ đây, không khí Tết đã thực sự bắt đầu. Tới ngày ông Táo là thấy Tết, mọi người Việt dù ở đâu cũng rộn lên tâm tư hướng về gia đình, quê hương.
Vừa chuẩn bị mâm cơm với món canh, món mặn, món nếp, món tẻ, trái cây và không thể thiếu cá chép đưa ông Táo về trời, vừa chiêm nghiệm về ý nghĩa sự tích ông Táo, mới thấy những sự tích dân gian luôn truyền lại những bài học thấm thía.
Sự tích ông Táo về trời
Câu chuyện được dân gian kể lại về hai vợ chồng sống không hòa thuận, người vợ không chịu nổi dày vò nên bỏ đi rồi gặp một người đàn ông khác và lấy làm chồng. Người chồng cũ buồn bã dần lâm vào cảnh bần hàn phải lang thang ăn xin. Một hôm người chồng tới xin ăn đúng nhà người vợ cũ, động lòng thương cảm, người vợ cho chồng cũ vào nhà và nấu món ngon cho ăn. Đúng lúc này người chồng mới về, sợ bị phát hiện, người vợ đưa chồng cũ trốn vào đống rơm sau nhà. Không ngờ, người chồng mới đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Lo vợ bị mang tiếng, người chồng cũ chịu chết không chui ra. Xót thương người chồng cũ vì mình mà chết oan, người vợ ân hận lao vào lửa. Người chồng mới cũng thương vợ mà lao theo. Cả ba cùng chết trong đám lửa.
Cá chép đưa ông táo về trời
Ngọc Hoàng thấy ba con người đều sống tình nghĩa nên phong cho làm vua bếp, người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Hàng năm vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, các Táo quân sẽ lên chầu trời, báo cáo Ngọc Hoàng về tất cả việc làm tốt và chưa tốt của từng nhà. Vì thế, mâm cơm cúng ông Táo chính là để tiễn ông Táo đi và khấn đón ông Táo về vào dịp mâm cơm Tất Niên ngày 30 Tết.
Tại Việt Nam có quan niềm rằng cá chép là cá tiên sống trên Thiên Đình và là cá vượt Vũ Môn cho nên Ông Táo mới vi phạm vì cưỡi cá chép. Vào ngày 23 tháng Chạp Ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để bẩm báo Ngọc Hoàng chuyện của trần gian.
Căn bếp là hồn của gia đình
Truyện cổ tích về ông Táo là minh chứng phản ánh niềm tin ‘vạn vật hữu linh’ của ông bà ta xưa, mỗi đồ vật, cây cối đều có linh hồn, tình cảm. Truyện về ông Táo để giải thích về bếp nấu trong mỗi nhà. Kiềng ba chân gác bếp lửa, bếp lò, giữ cho nồi niêu trụ vững khi nấu, cũng chính là hai Táo ông và Táo bà giữ cho bếp lửa, bữa ăn gia đình luôn sung túc, ấm cúng.
Người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay luôn coi trọng bếp lửa gia đình. Hướng nhà đôi khi không quan trọng bằng hướng bếp, vì bếp lửa là nơi gia đình sum họp, là nguồn sống cho mỗi thành viên. Sự ấm no, thịnh vượng của một gia đình xuất phát từ bếp lửa.
Ngày nay, thiết kế nội thất hiện đại vẫn luôn chú trọng căn bếp và phòng ngủ, nơi chăm lo dinh dưỡng, nơi chăm sóc giấc ngủ, đều góp phần vào nền tảng sức khỏe của gia đình. Gia đình hạnh phúc chính là có phòng ngủ sạch êm và gian bếp ấm cúng đủ đầy.
Ông Táo, Bà Táo giữ cho căn bếp luôn ấm no và sung túc
Táo ông, Táo bà
Mặc dù câu nói quen thuộc vẫn là ‘cúng ông Táo’, ‘tiễn ông Táo về trời’ nhưng thực ra sự tích Táo quân ghi rất rõ về vai trò trung tâm kết nối của Táo bà. Nếu không có Táo bà, hẳn là không có sự xuất hiện của hai Táo ông. Nhưng tại sao lại là ‘hai ông một bà’?
Trong quan niệm nhà nông, lửa có vai trò quan trọng, bếp chính là lửa. Trong kinh dịch, quẻ ly (lửa) gồm hai hào dương, một hào âm, ứng với con số 3 chân của vật dụng nấu bếp. Dương là nam, âm là nữ. Có lẽ truyền thuyết ‘hai ông một bà’ xuất phát từ đây.
Hai ông một bà và vai trò vợ chồng trong gia đình
Sự tồn tại bên nhau của mối duyên tay ba nhà ông Táo đồng thời cũng cho thấy sự dí dỏm sâu sắc của ông cha ta xưa khi vượt lên cả quan niệm lễ giáo Nho học, chỉ chấp nhận người phụ nữ như là cái bóng của người đàn ông, không có vai trò, không có tiếng nói. Tích chuyện ca ngợi tấm lòng son sắt của hai người đàn ông dành cho người vợ đã khẳng định người phụ nữ chính là tâm điểm của sự yêu thương hòa thuận trong gia đình. Còn người đàn ông sức dài vai rộng nhận lãnh trách nhiệm gánh vác gia đình gấp đôi người phụ nữ.
Tiễn Ông Táo, Bà Táo về trời mở màn cho mùa Tết
Gia đình bền vững là người đàn ông trụ cột chèo chống hai phần, người phụ nữ góp phần còn lại bằng sự đảm đang, chăm lo chu đáo. Từ đó tạo nên thế kiềng ba chân trụ vững cho gia đình, thiếu đi phần nào, hay hoán đổi vai vế cũng sẽ khiến gia đình nghiêng ngả. Và tất cả gắn kết với nhau bằng tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm để giữ lửa ấm no, hòa hợp cho gia đình.
Lễ cúng Táo quân tháng Chạp ngày Tết không chỉ là một phong tục đẹp của truyền thống văn hóa, mà còn nhắc nhở mỗi chúng ta về cách giữ gìn hạnh phúc vợ chồng rất giản dị đời thường mà thấm thía.