Soạn bài Thần Trụ Trời để hiểu về nội dung, nghệ thuật, các chi tiết kì ảo của tác phẩm trích trong sách ngữ văn lớp 10. Với những đặc sắc riêng, truyện thần thoại không chỉ thu hút thiếu nhi mà nhiều người trưởng thành vẫn dành thời gian và sự quan tâm cho thể loại này.
Soạn bài Thần Trụ Trời ngắn nhất trước khi đọc
Bạn biết những truyện thần thoại nào? Hãy chia sẻ với các bạn trong nhóm về những truyện thần thoại ấy.
Truyện Nữ thần Mặt trời và mặt trăng là thần thoại Việt Nam giải thích đặc điểm của Mặt Trời, Mặt trăng và một số hiện tượng tự nhiên khác.
Soạn văn 10 Chân Trời Sáng Tạo Thần Trụ Trời phần đọc văn bản
Các câu hỏi ở phần này giúp bạn vừa đọc bài, vừa dễ dàng nắm được ý chính trong từng phần. Cách phân tích thông tin theo hình thức này giúp học sinh nhanh chóng hiểu được nội dung chính của tác phẩm.
1/ Bạn hình dung như thế nào về vị Thần Trụ Trời? Em có những nhận xét gì về hình tượng Thần Trụ Trời?
Theo suy nghĩ của em, Thần Trụ Trời:
- Ngoại hình: vóc dáng khổng lồ, chân dài, có thể bước từ vùng này qua vùng khác.
- Hành động: Ngẩng đầu đội trời lên, đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời.
=> Nhận xét: Vị thần Trụ trời có sức vóc mạnh mẽ, kì lạ mà những người bình thường không thực hiện được.
2/ Trời và đất thay đổi như thế nào sau khi có cột chống trời?
Khi có cột chống trời, trời và đất có những thay đổi :
- Vòm trời đẩy lên mãi phía mây xanh mù mịt.
- Trời đất phân đôi, chia tách.
- Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau gọi là chân trời.
3/ Bạn có nhận xét gì về cách kết thúc truyện?
Truyện được kết thúc bằng một bài thơ gồm các câu hát dân gian về các vị thần xây dựng thế gian. Cách kết thúc truyện đặc biệt và độc đáo. Ở những câu hát, tác giả dân gian đã đưa ra liệt kê về các vị thần có công xây dựng thế gian theo lí giải của người xưa với câu kết Ông Trụ trời một lần nữa khẳng định, khắc ghi, đề cao công lao của thần Trụ trời trong việc tạo ra trời đất.
Soạn bài Thần Trụ Trời chân trời sáng tạo phần sau khi đọc
Trả lời tất cả câu hỏi trong bài Thần Trụ Trời văn 10 được liệt kê ở sách giáo khoa trang 14. Theo dõi đáp án gợi ý, bao gồm:
1/ Chỉ ra các chi tiết về không gian, thời gian của câu chuyện.
Không gian: Trời và đất => Không cụ thể, mang tính khái quát.
Thời gian: Thuở ấy, từ đó => Định tính, không rõ ràng, chính xác.
2/ Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận ra Thần Trụ Trời là một truyện thần thoại?
Dựa vào những dấu hiệu của thần thoại, không gian, cốt truyện, nhân vật trong Thần Trụ trời để xác định đây là một thần thoại.
- Truyện kể về vị thần Trụ trời trong quá trình tạo ra thế giới, nguồn gốc của các sự vật và con người.
- Không gian: trời và đất, vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể.
- Thời gian: “Thủa ấy” cổ sơ, không xác định.
- Cốt truyện: là chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình tạo nên trời đất, các sự vật tự nhiên, là sự xuất hiện hành động của các vị thần.
- Nhân vật: là các vị thần.
- Câu chuyện là một tác phẩm thống nhất, toàn vẹn, các bộ phận, yếu tố, chi tiết…đều có ý nghĩa và được gắn kết với nhau một cách chặt chẽ, thể hiện một nội dung chung của bài.
3/ Tóm tắt quá trình tạo lập nên trời và đất của nhân vật Thần Trụ Trời. Từ đó, hãy nhận xét về đặc điểm của nhân vật này.
Quá trình tạo lập nên trời và đất của Thần Trụ Trời:
- Tự đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời => Có năng lực phi thường, ý chí.
- Thần hì hục đào, đắp cột đá cao lên đẩy vòm trời lên mãi mây xanh => Thần mạnh mẽ và tài năng.
- Khi trời cao và khô, thần phá cột, lấy đất đá ném tung đi khắp nơi à tạo ra hòn núi, hòn đảo, gò, đống, những dải đồi cao là mặt đất ngày nay thường không bằng phẳng.=> Thần đã có công tạo nên trời đất.
4/ Nêu nội dung bao quát của truyện Thần Trụ Trời.
Văn bản nói về cách tạo ra đất, trời, thế gian của thần Trụ trời và các vị thần khác. Cách lý giải dưới góc độ văn học dân gian và đầy sáng tạo, đề cao giá trị truyền thống.
5/ Nhận xét về cách giải thích quá trình tạo lập thế giới của tác giả dân gian. Ngày nay, cách giải thích ấy có còn phù hợp không? Vì sao?
Cách giải thích quá trình tạo lập thế giới của tác giả dân gian dựa trên trí tượng tượng, sáng tạo dựa vào sự quan sát tự nhiên chưa có đầy đủ căn cứ, không có minh chứng về độ chính xác, chứa đựng những yếu tố hư cấu.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học thì cách giải thích ấy không còn phù hợp. Hiện nay nguồn thông tin về sự hình thành vũ trụ tự nhiên đã được khoa học nghiên cứu, có những căn cứ khoa học rõ ràng tin cậy và thuyết phục hơn so với những thần thoại dân gian chứa dựng yếu tố hư cấu.
6/ Cách hình dung và miêu tả đất, trời trong câu “Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp,…” trong truyện Thần Trụ Trời gợi cho bạn nhớ đến truyền thuyết nào của người Việt Nam?
Cách hình dung và miêu tả đất, trời trong câu “đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp,…” trong truyện Thần Trụ trời gợi nhớ đến truyền thuyết “Sự tích bánh chưng, bánh dày” của người Việt Nam.
Hãy tóm tắt truyền thuyết ấy và chỉ ra điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.
Nội dung câu chuyện: Vua Hùng thứ sáu có hai mươi người con trai, cả hai mươi người con, ai cũng đều giỏi giang nên vua không thể lựa chọn được người sẽ nối nghiệp mình. Nhà vua luôn nói với những người con trai của mình rằng, người được lựa chọn không nhất thiết phải là con trưởng, người con nào làm vừa ý nhà vua trong lễ Tiên vương của mình thì sẽ được đức vua truyền ngôi cho.
Các lang đều đua nhau sắm những lễ vật thật hậu, thật ngon và độc nhất vô nhị, đây đều là những sản vật được các lang cho người đi khắp nơi tìm kiếm chỉ với mong muốn lấy được lòng của nhà vua. Nhưng chỉ duy nhất có người con trai thứ mười tám của đức vua là Lang Liêu, chàng vẫn rất buồn vì chàng rất nghèo, chàng không có đủ tiền để tìm kiếm sản vật như các anh trai của mình được. Do ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà chàng không có của để, thứ duy nhất chàng có là lúa. Vì suy nghĩ quá nhiều mà chàng đã thiếp đi, trong giấc mơ, một vị thần đã bảo với chàng cách làm lễ vật. Tỉnh dậy, chàng lấy gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn làm thành hai thứ bánh, một loại bánh tròn tượng trưng cho trời, một loại bánh vuông, tượng trưng cho đất. Bánh tròn chàng đặt tên là bánh giầy, bánh hình vuông là bánh chưng. Nhà vua rất hài lòng về lễ vật của Lang Liêu dâng lên nên ngài đã quyết định nhường ngôi cho chàng.
Cũng bởi vậy mà trong ngày tết cổ truyền của Việt Nam không thể nào thiếu 2 món bánh đơn giản nhưng đầy ý nghĩa trên bàn thờ tổ tiên.
Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm:
- Đều đưa ra lý giải sự xuất hiện của một hiện tượng hay truyền thống.
- Xuất hiện hình ảnh vị thần, mang tính hư cấu, tưởng tượng như trời hình tròn, đất hình vuông.
- Thời gian và không gian không xác định.
Trả lời câu hỏi bài Thần Trụ Trời các câu hỏi khác
Khi trả lời được những câu hỏi sau, bạn sẽ có sự tự tin nhất định lúc viết bài phân tích truyện Thần Trụ Trời. Đây là những ý chung nhất liên quan đến tác phẩm mà học sinh phải nắm sau khi học bài này.
1/ Thần Trụ Trời là ai?
Thần trụ trời là thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra đất trời trong thế giới thần thoại Việt Nam.
2/ Qua câu chuyện Thần Trụ Trời em rút ra được bài học gì đối với bản thân?
Con người nguyên thủy nhận thức trời đất được tạo dựng từ các vị thần, trong đó, thần trụ trời là thần sáng chế, tạo ra đất trời thuở sơ khai. Đồng thời, bài đã giúp em hình dung sự hình thành của trời đất dưới góc nhìn của người xưa. Điểm thú vị là tác phẩm thần thoại này còn giải thích được vết tích nằm ở huyện Hải Dương một cách hợp lý. Có thể thấy, câu chuyện chính là khát vọng khai hoang, lập địa của con người thuở sơ khai. Từ đó em hiểu rằng mình nên có sự biết ơn, ghi nhớ công an của các vị thần.
3/ Truyện Thần Trụ Trời nhằm giải thích hiện tượng gì?
Truyện Thần Trụ Trời nhằm giải thích nguồn gốc của đất trời, núi, đồi, biển, sông suối,…
4/ Bối cảnh xuất hiện của Thần Trụ Trời có gì đặc biệt?
Khi Thần Trụ Trời xuất hiện vũ trụ chưa định hình, chưa có con người và muôn vật, trời đất là một đám hỗn độn và tối tăm, lạnh lẽo. Bối cảnh này cho thấy sức tưởng tượng phong phú, sự sáng tạo của tác giả dân gian đối với vị thần sáng chế ra đất trời.
5/ Nhân vật Thần Trụ Trời có đặc điểm gì đáng chú ý?
Thần trụ trời có thân hình to lớn và vô cùng khỏe. Bởi thần có thể bước một bước từ vùng đất này đến vùng đất nọ, từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Thần cũng có thể dùng cả thân hình của mình để đội trời, đào đất liên tục để đẩy được vòm trời lên phía xanh mù mịt nhưng sau đó lại có thể phá cột đi, lấy đá, ném tung khắp nơi. Trong khi mỗi hòn đá thần ném đã trở thành núi hoặc đảo, cho thấy hòn đá ấy phải rất lớn, thần phải rất khỏe để làm được điều đó.
6/ Thần Trụ Trời có tính cách như thế nào?
Thần Trụ Trời được miêu tả là người thông minh và khôn ngoan. Bởi vì thần biết xác định vấn đề và giải quyết nó bằng phương pháp hiệu quả nhất,
Chẳng hạn, khi trời đất vẫn còn là mớ hỗn độn, thần biết phải có trụ chống trời để tách biệt giữa đất và trời. Sau khi làm xong trụ, trời đã cố định và đã khô, thần cũng hiểu để một cây trụ ở giữa đất trời là không cần thiết nên phá bỏ và biến mặt đất trở thành đa dạng địa hình bằng chính đất đá của cây cột mà thần đã đào nên.
Chuẩn bị soạn bài Prô-mê-tê và loài người để hiểu hơn về truyện thần thoại Hy Lạp. Đây là bài học tiếp theo trong phần Tạo lập thế giới của chương trình Chân trời sáng tạo.
Kết luận
Soạn bài Thần Trụ Trời với phần giải đáp cụ thể từ The POET giúp bạn hiểu sâu, có sự chuẩn bị tốt nhất cho tác phẩm. Đây là văn bản thể hiện sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của người Việt cổ trong cách giải thích sự hình thành của trời đất.