Xuân Tân Sửu - 2021 này có một ngôi chùa ở Bình Thuận thu hút không ít phật tử, du khách đến chiêm bái. Gọi là chùa theo thói quen của phật tử nhưng thực sự đó là một ngôi thiền viện khá bề thế có tên gọi là Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện, tọa lạc tại thôn An Bình, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân (từ ngã tư quốc lộ 1A rẽ vào quốc lộ 55 khoảng 3 km theo hướng tây bắc). Toàn bộ diện tích khuôn viên thiền viện rộng trên 20 ha, được bao bọc từ xa bởi những dãy núi thấp cạnh dòng sông Phan hiền hòa, uốn khúc và những vườn thanh long bạt ngàn xanh tốt.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái mang bản sắc của dân tộc Việt Nam, là nơi chuyên tu thiền định theo tông chỉ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện lúc đầu là một chùa nhỏ được tạo dựng giữa hoang sơ thanh tịnh, do Hòa thượng tôn sư Thích Thanh Từ khai sơ. Sau đó, được 2 phật tử Mai Văn Bình và Đoàn Thị Thu thành tâm phát nguyện cúng dường một diện tích lớn đất để xây dựng thiền viện như hôm nay. Ngày 23/9 năm Kỷ Sửu (2009) thiền viện được tiến hành nghi lễ khởi công bởi Ban Trị sự thiền viện với sự hiện diện chứng minh của Giáo hội Phật giáo Trung ương và đại diện lãnh đạo chính quyền Bình Thuận. Sau hơn 10 năm miệt mài thi công rất công phu các hạng mục, đến nay đã cơ bản hoàn thành một thiền viện bề thế, uy nghiêm với lối kiến trúc chùa cổ, tinh tế, mỹ thuật.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện được thiết kế gồm 2 khu vực: ngoại viện và nội viện. Ngoại viện gồm: chánh điện, nhà tổ, nhà khách. Nội viện gồm: tăng đường, chay đường, thiền đường và an thất là nơi để chư tăng và thiền sinh tu học, sinh hoạt. Điểm nhấn là ngôi chánh điện uy nghiêm với lối kiến trúc chùa cổ mái cong thanh thoát rất mỹ thuật. Bên trong chánh điện khá rộng được tôn bài 3 pho tượng lớn, trong đó nổi bật là đại tượng đức Phật Thích Ca nặng 30 tấn bằng đá quý saphia, 2 bên là 2 tượng bồ tát bằng ngọc phỉ thúy. Thiền viện còn có các kiến trúc lầu chuông, lầu trống, nơi trưng bày các pháp khí, và đặc biệt là các bảo tháp lưu giữ và thờ các bảo vật vô giá như tóc Phật, xá lị Phật.
Bên ngoài khuôn viên thiền viện là một khu vườn khá rộng, điểm nhấn là nơi bài trí vườn tượng 18 vị Thập bát La hán được điêu khắc mỹ thuật khá công phu. Bao bọc xung quanh và hậu viện là những sân vườn rộng lớn được thiết kế đường đi thiền hành bằng đá cuội và gạch giữa những hàng cây xanh mát. Ngoài những khu trồng cây kiểng, những vườn hoa đủ loại, đủ màu khoe sắc là 1 hồ nước trong xanh bên rặng dừa đầy gió mát. Sân vườn còn được điểm xuyến bởi những căn nhà lục giác, bát giác mái ngói để phật tử, du khách vãng cảnh chùa nghỉ chân.
Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện là Đại đức Thích Đạt Ma Khế Định, thầy cùng các chư tăng đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện các hạng mục, công trình thiền viện. Không những tôn tạo vẻ uy nghiêm của một kiến trúc tôn giáo mà còn tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp, thanh tịnh, an lành.
Ngày xuân, phật tử, du khách trước là đến thắp hương bái Phật, sau là ra vãng cảnh chùa, giữa khung cảnh thiên nhiên thấy lòng bình an, thanh thản lạ sau khi đọc bài thơ thiền của Sơ tổ Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông được thiền viện khắc trên bia đá:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Dịp Tết Tân Sửu 2021 này do dịch Covid-19 nên thiền viện hạn chế tiếp đón khách hành hương đến từ ngoài tỉnh. Để hạn chế tụ tập đông người, thiền viện tạm dừng các khóa tu học thiền định và các hoạt động nghi lễ tập trung. Ngay trước cổng thiền viện các thầy có đặt bàn để nước rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang cho phật tử và du khách. Thiền viện khuyến cáo phật tử và du khách cần chấp hành tốt quy định phòng chống dịch và nội quy của thiền viện.
HuỲnh Thanh