Nhiều bệnh nhân sau khi bị chó có biểu hiện dại cắn đã vô cùng lo lắng, sợ hãi, băn khoăn. Vậy tiêm vắc xin phòng bệnh dại vào thời điểm nào là hợp lý nhất? Những loại vắc xin nào hiện đang được sử dụng hiện nay tại Việt Nam?
1. Bệnh dại là gì? Nguy hiểm như thế nào?
Bệnh dại gây ra bởi một loại vi rút, lây truyền từ các loại động vật sang người.
Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại:
- Thể điên cuồng.
- Thể dại câm (bại liệt).
Trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất. Bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè.
Vi-rút dại xâm nhập vào hệ thần kinh của động vật có vú. Vi-rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người. Nơi bị chó cắn càng gần thần kinh trung ương thì nạn nhân càng phát bệnh nhanh. 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn.
2. Phải làm gì nếu bị chó cắn
Nếu bị động vật, đặc biệt là chó có biểu hiện dại cắn thì phải ngay lập tức thực hiện sơ cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
- Vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod, nếu có.
- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của bệnh nhân cũng như của con vật đã cắn người để có hướng điều trị khẩn cấp
3. 5 loại Vắc xin phòng dại đang được lưu hành tại Việt Nam
Cục Quản lý Dược cho biết: Hiện tại có 5 vắc xin phòng dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và đã được nhập khẩu hoặc có thể được nhập khẩu vào Việt Nam (không yêu cầu cấp phép nhập khẩu), bao gồm:
- Verorab (sản xuất tại Pháp).
- Abhayrab (Ấn Độ).
- Indirab (Ấn Độ)
- Rabipur ( Ấn Độ).
- Speeda.
3.1. Vắc xin Verorab
Nhà sản xuất: Sanofi Pasteur, Pháp.
Chỉ định
Trước phơi nhiễm:
- Verorab được chỉ định dự phòng bệnh dại cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao như nhân viên làm việc tại các phòng thí nghiệm chẩn đoán, nghiên cứu và sản xuất huyết thanh dại. Những đối tượng này nên làm huyết thanh chẩn đoán sau mỗi 6 tháng. Nếu nồng độ kháng thể dưới 0.5 UI/ml thì phải tiêm nhắc lại.
- Những đối tượng sau nên tiêm phòng dại vì có nguy cơ nhiễm virus dại: Bác sĩ thú y, người canh giữ và chăm sóc thú, thợ săn, nhân viên kiểm lâm, người làm ở lò mổ, người nghiên cứu về hang động, người làm nghề nhồi bông thú.
- Người đi du lịch hoặc di chuyển đến vùng có dịch bệnh trên súc vật.
Sau phơi nhiễm:
- Ngay khi xác định hoặc có nghi ngờ phơi nhiễm nên tiến hành tiêm vắc xin ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh dại. Việc tiêm vắc xin dại phải được thực hiện ở các Trung tâm điều trị bệnh dại. Việc điều trị phải dựa trên tình trạng con vật và loại vết thương.
Đường dùng, Liều dùng
- Tiêm bắp: với liều 0.5ml vắc xin đã hoàn nguyên, ở người lớn vào vùng cơ Delta ở cánh tay, trẻ nhỏ tiêm ở mặt trước - bên đùi. Không tiêm ở vùng mông.
- Tiêm trong da: với liều 0.1ml vắc xin đã hoàn nguyên (bằng 1/5 liều tiêm bắp)
Tác dụng không mong muốn có thể gặp sau khi tiêm
- Phản ứng tại chỗ tiêm: sưng, đau, đỏ da.
- Phản ứng toàn thân: Đau đầu, mệt mỏi, run rẩy, có thể sốt. Có thể đau nhức xương khớp, đau cơ. Rối loạn dạ dày, ruột.
- Hiếm khi có sốc phản vệ.
3.2. Vắc xin Abhayrab
Nhà sản xuất: Công ty Human Biological Institute, Ấn Độ.
Vắc xin Abhayrab là vắc xin phòng dại tế bào vero tinh chế, có tác dụng tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại cho cả người lớn và trẻ em, sau khi tiếp xúc hoặc bị con vật nghi bị dại cắn.
Chỉ định:
- Abhayrab giúp tạo miễn dịch chủ động chống lại virus dại cho cả người lớn và trẻ em, để dự phòng và điều trị sau khi bị phơi nhiễm (sau khi tiếp xúc với con vật bị dại hoặc nghi ngờ bị dại).
- Bệnh dại là bệnh gây chết người, vì vậy vắc xin không có giới hạn tuổi tác. Abhayrab có thể sử dụng cho tất cả các lứa tuổi.
- Ngoài ra khuyến khích tiêm vắc xin phòng dại Abhayrab cho các đối tượng có nguy cơ cao như: Bác sỹ thú y; nhân viên y tế, nhân viên phòng thí nghiệm; người làm việc trong rừng, sở thú; Người thường xuyên tiếp xúc với động vật như thợ thịt, thợ săn; Người có nhiều vật nuôi như chó mèo trong nhà...
Đường dùng:
- Abhayrab được chỉ định tiêm bắp. Người lớn tiêm vùng cơ delta cánh tay. Trẻ nhỏ tiêm ở mặt trước bên đùi. Không được tiêm vào vùng mông.
- Trong một số trường hợp có thể chỉ định tiêm trong da. Tiêm ở cẳng tay hoặc cánh tay.
Tác dụng không mong muốn:
Abhayrab là vắc xin dại tế bào vero tinh chế nên các tác dụng phụ thường nhẹ. Sau khi tiêm Abhayrab có thể xảy ra một số tác dụng không mong muốn như:
- Tại vị trí tiêm: Đau, ngứa chỗ tiêm.
- Toàn thân thường ít gặp: sốt, chóng mặt, đau đầu...
- Hiếm gặp: mày đay, sốc phản vệ.
3.3. Vắc xin Indirab
Nhà sản xuất: Công ty Bharat Biotech International Limited, Ấn Độ.
Là vắc xin dại bất hoạt tinh chế trên tế bào Vero được chỉ định dự phòng và điều trị sau khi phơi nhiễm dại cho người ở tất cả các lứa tuổi.
3.4. Rabipur
Nhà sản xuất: Công ty Chiron Behring Vaccines Pvt. Ltd., Ấn Độ.
Tên generic: Vắc xin dại PCEC
Rabipur (vắc xin dại tế bào tinh chế từ phôi gà), vắc xin dại dùng cho người, là vắc xin đông khô vô khuẩn thu được bằng việc nuôi virus chủng Flury LEP đã bất hoạt trong môi trường nguyên bào sợi gà nguyên bản. Vắc xin đông khô đáp ứng các yêu cầu của WHO về an toàn và có hiệu lực.
Rabipur dùng theo đường tiêm bắp, vắc xin không chứa pyrogen cũng như tá dược và chất bảo quản.
3.5. Vắc xin Speeda
Nhà sản xuất: Liaoning Chengda Biotechnology, Trung Quốc
Vắc-xin này hiện vẫn đang được tiếp tục được sản xuất và cung ứng ra thị trường các nước trong đó có Việt Nam.
Hơn nữa, đây không phải là vắc-xin trong vụ bê bối tại Trung Quốc thời gian trước các cơ quan đại chúng đưa tin, nên người bệnh có thể yên tâm khi được điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.